"Đèn đỏ dừng lại" & Câu chuyện nhân cách
Updated: Jun 23, 2022

Hôm nay mình chở con đi học bằng xe máy. Đến đèn đỏ, mình dừng lại trong khi một số xe khác vẫn rẽ phải dù không hề có biển cho phép. Con hỏi: “Tại sao đèn đỏ mà các cô chú vẫn đi hả mẹ?”
- Có thể họ thấy đường vắng, không có chú công an nên họ vẫn đi con ạ. Con thấy như thế có đúng không?
- Không ạ. Cô bảo đèn đỏ phải dừng lại, đèn xanh mới được đi mà.
Hồi còn "trẻ trâu", chắc chắn mình cũng dăm lần vượt đèn đỏ rồi. Lúc ấy đầu óc xanh non, chưa thấm nhuần đạo lý sống trên đời nên chỉ đơn giản nghĩ: chẳng có xe cộ gì thì vượt tí có sao. Nhưng từ khi có con, tự nhiên mình lại có phản xạ làm gì cũng phải ngay thẳng, để còn nhìn mặt con mà không xấu hổ. Vậy nên dù đường có vắng đến đâu, giữa trưa hè nắng gắt hay trời mưa tầm tã, mình cũng không vượt đèn đỏ. Có những lúc vội, ngã tư thưa thớt và không có bóng dáng anh công an nào, mình cũng cảm thấy “cám dỗ” lắm, nhưng sau khoảnh khắc đấu tranh, mình vẫn chọn “thượng tôn kỷ luật”, bởi vì:
“Tôi cần làm gương cho con mình”
Mình bảo ban con trở thành người có kỷ cương ngay từ những ngày nó còn bé. Sẽ thật vô lý nếu ra rả yêu cầu con tuân thủ kỷ luật này, kỷ luật nọ nhưng mẹ thì ngang nhiên vi phạm luật giao thông ngoài đường. Mình sẽ trả lời sao nếu con thắc mắc? “Vì lúc ấy đường vắng quá, có vượt cũng không ảnh hưởng đến ai đâu” hay “Chúng ta đang rất vội”? Tất cả chỉ là ngụy biện! Tiêu chuẩn kép này sẽ tạo tiền đề cho sự vô tổ chức của đứa trẻ. Con có thể tự cho mình cái quyền được ngoại lệ khi gặp nghịch cảnh hoặc đơn giản là chúng cảm thấy muốn thế. Những quy tắc trong gia đình bạn có thể bị phá vỡ bất cứ khi nào và bạn khó bắt bẻ con được nếu chính mình cũng hành động tương tự.
Bên cạnh đó, trẻ không nghe lời chúng ta nói nhiều như nhìn việc chúng ta làm. Mình e rằng khi hành động không nhất quán với lời nói, hình ảnh mình trong mắt con sẽ chỉ là một bà mẹ giáo điều nói những câu sáo rỗng, thiếu uy tín. Bởi vậy, chẳng riêng chuyện dừng đèn đỏ, mà bất cứ luật lệ/quy định nào mình cũng luôn tuân thủ, dù thời điểm đó có ở cùng con hay không.
“Tôi cần con hiểu rằng con có trách nhiệm trở thành một công dân văn minh”
Xã hội văn minh là khi con người có ý thức tốt, tuân thủ kỷ cương mà không cần lực lượng nào giám sát. Chúng ta đều mơ ước được sống ở một nơi như thế. Thử nghĩ xem, sẽ thật an toàn và bình yên biết bao khi quanh mình không có những hành vi phạm pháp; khi chúng ta có thể tham gia giao thông một cách yên tâm mà không cần lo ai đó bất chấp vượt đèn đỏ rồi đâm vào mình… Con là một phần của cộng đồng, và con cần làm tốt trách nhiệm công dân trước khi có quyền mưu cầu xã hội này trở nên tốt đẹp.
“Pháp luật là thứ không thể coi thường”
Những hành vi sinh hoạt hàng ngày như tham gia giao thông có thể là cách giúp con tiếp cận khái niệm “pháp luật” đơn giản nhất. Con sẽ hiểu pháp luật sinh ra để giữ cho một quốc gia có trật tự, người dân được an toàn và được bảo vệ… Vì thế, chuyện lớn hay chuyện nhỏ, nếu pháp luật đã có quy định, chúng ta phải tuyệt đối coi trọng. Tôn trọng pháp luật là tôn trọng chính mình.
Thêm nữa, mình cũng mong con cảm nhận rằng nếu lương tâm chúng ta trong sạch, chúng ta sẽ có cảm giác tự tin và tự hào về bản thân.
“Kỷ luật tự thân rất quan trọng”
Ở cái tuổi U40 mình vẫn gặp rắc rối với chuyện kỷ luật tự thân. Chỉ sau khi nghiêm túc rèn luyện để làm gương cho con, mình mới nghiệm ra rằng tư duy tuân thủ kỷ luật giúp ích rất nhiều cho việc xây dựng kỷ luật tự thân. Nếu nhất mực tôn trọng các quy định bên ngoài, thì nội tâm cũng hình thành phản xạ tự giác làm theo quy định của chính mình - một động thái vô cùng có lợi cho công việc và cuộc sống.
Giống như nhiều ông bố bà mẹ khác, mình mong mỏi con sẽ là người có kỷ luật tự thân. Nhờ đó con sẽ tự nhận thức các giới hạn, biết vượt qua cám dỗ và bảo vệ bản thân trước những thứ có thể gây hại.
“Gieo suy nghĩ, gặt lời nói. Gieo lời nói, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận.”
Mình để ở đây câu nói nổi tiếng của Lão Tử để chúng ta cùng thấy rằng những suy nghĩ, hành động tưởng như nhỏ bé hàng ngày như: dừng đèn đỏ, vất rác đúng nơi quy định, đi đúng làn đường… nhưng lại góp phần xây dựng nền móng vững chắc để hình thành nhân cách tốt trong tương lai. Khi đã dấn thân vào sự nghiệp làm cha mẹ, mỗi lời nói, cử chỉ, thái độ của chúng ta đều sẽ ăn sâu vào tiềm thức con trẻ. Vì vậy, bạn không cần phải trở thành cha mẹ vĩ đại, bạn chỉ cần là cha mẹ tích cực đã tuyệt vời lắm rồi!
(Ảnh: Canva)