top of page

Đừng nhập nhèm giữa Tội ác và Lương thiện!

Updated: Jun 23, 2022



Hôm nay mình bắt đầu ngày mới với một tâm trạng không thực sự tốt. Tất cả chỉ vì mình trót đọc được câu chuyện buồn của một cô gái. Cô gái đó tâm sự về cuộc hôn nhân tồi tệ: cưới không vì tình yêu mà chỉ vì sợ điều tiếng từ xã hội làm bố mẹ phiền lòng, phát hiện ra chồng có nhân phẩm tồi tệ, bố mẹ chồng hờ hững… Dường như cuộc hôn nhân của cô ấy bao phủ một đám mây đen chưa lúc nào bớt dày đặc. Cuối cùng, đến thời điểm đã quá kiệt quệ, cô ấy quyết định sẽ ly dị sau khi ly thân được 2 năm. Nhưng cũng chính lúc này, chồng cô phải nhập viện trong trạng thái nguy kịch vì sự kết hợp của nhiều căn bệnh – kết quả của lối sống buông thả, thiếu lành mạnh nhiều năm. Và cô gái ấy, bằng tất cả sự lương thiện của mình, đã hỏi cộng đồng mạng rằng: sau khi chăm sóc anh ta qua đợt bạo bệnh này, cô vẫn sẽ ly hôn, như vậy thì cô có ác không?

Mình thực sự khâm phục sự lương thiện của cô ấy. Bất chấp câu từ thẳng thắn, không hề “hoa rơi cửa phật”, không có sự hoa mỹ ra vẻ thiện lương, mình vẫn cảm thấy cô ấy quá tử tế, vì hành động của cô đã nói lên tất cả. Trong vô vàn những comment khuyên cô ấy “bỏ đi; phải thương lấy mình; đừng day dứt…” thì mình đọc được một comment, đại loại là anh ta khuyên cô ấy “đừng cư xử như những người nhà chồng để thành “cá mè một lứa”, sống tệ giống như họ”. Ôi trời ơi, những lời này khiến mình vừa phẫn nộ, vừa tức cười. Hỡi anh, anh làm ơn hiểu cho rằng:

1. Cô ấy và bọn họ khác nhau. Nhà chồng cô bỏ rơi con dâu, cháu nội; bố mẹ của gã chồng còn bỏ rơi chính đứa con của họ. Họ là loại người vô cảm, vô tình, thiếu trách nhiệm, thiếu sự trắc ẩn đến mức tàn nhẫn. Còn cô ấy, nhẫn nhịn chịu đựng bao nhiêu năm, bị hành hạ đến kiệt quệ trong khi vẫn phải tự kiếm sống, nuôi con. Khi gã chồng ‘0 điểm’ kia gặp nạn, cô ấy còn không nỡ bỏ rơi hắn, vẫn chăm sóc hắn vì cái tình nghĩa kết nối bọn họ. Cô ấy còn có ý định đợi sau khi hắn đã qua giai đoạn nguy hiểm thì mới tiến hành ly hôn. Cô ấy tử tế đến mức đó mà anh lại nỡ đặt người ta lên cùng bàn cân với những kẻ vô cảm kia à. Thưa với anh rằng, dù cô ấy vẫn kiên quyết dứt áo ra đi, thì cũng không bao giờ cùng loại với họ anh nhé.

2. Liệu anh có mảy may hiểu được những khổ sở mà cô ấy đã trải qua không? Anh đã bao giờ có cảm giác mỗi ngày thức dậy là sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, là cô đơn và tủi hờn không? Anh có bị ai chà đạp liên tục suốt mấy năm trời không? Điều đó còn tệ hơn cả nhà tù, đó là địa ngục anh ạ. Anh khuyên cô ấy tiếp tục trói buộc đời mình và cả đứa con bé nhỏ vô tội kia trong cái địa ngục trần gian chỉ để không bị cho là ‘độc ác’ (theo quan điểm của anh) sao? Anh ơi, cái thiện là sự chia sẻ, lan tỏa điều ấm áp, an lành từ người này sang người khác, chứ không phải là lấy hạnh phúc của kẻ này để ban cho kẻ khác nhé. Người ta chỉ nên dùng cái thiện để cùng nhau nhận những thứ tốt đẹp chứ không phải là một người chịu đựng thống khổ để kẻ khác được hưởng ân huệ. Bởi vậy, khuyên cô ấy tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân với gã chồng tồi tệ, chỉ vì gã đang là kẻ thân tàn ma dại, không phải lương thiện, mà là độc ác với cô ấy đấy. Khác gì anh khuyên người ta làm việc tốt bằng cách bạc đãi chính mình.

3. Anh chỉ là một người xa lạ trên mạng. Anh không giúp đỡ hay hỗ trợ gì được cho cuộc sống của cô ấy cả về vật chất lẫn sức lực. Bởi vậy nên tôi thiết nghĩ, anh đừng làm cuộc sống của cô ấy thêm thống khổ bằng một lời khuyên độc ác ẩn sau cái sự đạo đức giả tạo ấy làm gì.

Cô gái này là điển hình cho rất nhiều phụ nữ ngoài kia, chịu biết bao áp lực từ một xã hội tuy không còn quá lạc hậu, nhưng để tiến tới văn minh hoàn toàn thì còn nhiều cản trở.

Cô ấy tặc lưỡi lấy chồng cho đỡ phải rát tai nghe những lời nói ra nói vào của bố mẹ và những người xung quanh. Cô ấy để cuộc đời rẽ vào ngõ cụt ở cái tuổi 27 – cái tuổi mà theo tôi thì vẫn còn quá trẻ và hoàn toàn nên dành để hưởng thụ sự nhẩn nhơ của cuộc sống – nhưng lại bị coi là tuổi “ế” trong quan niệm của những người xung quanh. Khi phát hiện ra chồng là kẻ không ra gì, bố mẹ chồng là những người lạnh lùng, thiếu tình thương, cô gái lại tặc lưỡi lần nữa chấp nhận hết chỉ vì “để con có bố”. Những lựa chọn sai lầm cứ nối tiếp nhau, đẩy cô ấy và đứa con bé bỏng vào tình thế bế tắc. May thay, cô đã tỉnh ngộ và mạnh mẽ lựa chọn quyết định giải phóng bản thân. Tôi cảm giác, đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm khốn khổ, cô gái ấy thực sự thương lấy chính mình. Tôi mừng vì có rất nhiều người ủng hộ cô ấy. Họ có thể xuất phát từ nhiều suy nghĩ, quan điểm, cá tính khác nhau, nhưng họ thực sự mong cô ấy được hạnh phúc, trước hết là bằng cách tách hẳn khỏi người chồng rác rưởi kia.

Mình mong, những nhà đạo đức học và phật online hãy thực sự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác trước khi comment những lời giả tạo, sáo rỗng. Bạn có quyền tự do ngôn luận, nhưng hãy suy ngẫm cho thật kỹ xem có nên thực sự nói ra không? Lời nói của bạn liệu sẽ khiến người nghe cảm thấy thế nào? Thông điệp họ nhận được có giúp ích cho họ không hay tiếp tục khiến họ sống trong bế tắc?

Cuối cùng, xin được nhắn nhủ tới những người phụ nữ đang ở hoàn cảnh tương tự cô gái trong câu chuyện: không hẳn cứ làm việc tốt thì đều là gieo hạt giống tốt. Bạn phải tốt với đúng người, và đừng chọn phương án tốt với người nhưng lại bạc đãi mình.

0 views0 comments
bottom of page