Đằng sau sự hung hăng là cả một trời tâm tư
Updated: Jun 29, 2022

• Con em rất hung hăng và nóng tính, mỗi khi bà mắng bé hơi nặng lời thì bé giơ tay đánh bà luôn. Bà già rồi nên không thể thay đổi, vậy làm sao để con ngừng cư xử không đúng với bà?
• Con em rất hay đánh bạn, em đã dùng đủ mọi cách từ nói chuyện, khuyên bảo, trừng phạt… nhưng bé không hề tiến bộ. Em phải sao để con thay đổi?
• Con em hay mè nheo/ăn vạ/khóc nhè. Phải làm sao để bé không như vậy nữa?
Đó là một số câu hỏi phổ biến mà nhóm An Nhiên Làm Mẹ - Ươm Mầm Yêu Thương của chúng mình nhận được. Điểm chung của những vấn đề trên là người lớn đang dùng góc nhìn cá nhân để quan sát đứa trẻ và muốn thay đổi chúng. Tuy nhiên, việc thực sự nên làm ở đây là kết nối, thấu hiểu và chấp nhận.
Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng trẻ con vô tư, vô lo, vô nghĩ, sự thật là các em bé cũng có những rắc rối riêng. Quá trình lớn lên làm cơ thể chúng khác đi mỗi ngày. Sự phát triển về mặt thể chất và sinh lý gây cho trẻ những rắc rối trong việc thích nghi với cơ thể của chính mình. Mặt khác, nhận thức của trẻ chưa phát triển toàn diện cộng với việc thiếu trải nghiệm, làm sao chúng biết suy nghĩ thấu đáo và phân biệt tốt – xấu, nên – không nên? Trẻ đương nhiên sẽ dễ dàng mắc lỗi. Những người lớn thì kết luận thế là hư, là không tốt, là dốt nát, là lười biếng v.v…Tâm trí non nớt của đứa trẻ trở nên hoang mang với biết bao câu hỏi: mình đã làm gì sai? Mình không thích học, tại sao mình lại phải học? Mình không muốn ăn cái món kinh khủng ấy, sao mẹ cứ bắt mình ăn? Mình muốn cái đồ chơi đó nên mình chạy ra lấy thôi, sao lại mắng mình là kẻ bắt nạt? Bà nói mình rất khó nghe, mình giận lắm nên mình chỉ muốn đánh bà một cái cho hả dạ thôi...
Đối phó với những thử thách của chính mình vốn là một việc rất khó khăn với đứa trẻ rồi, chúng không nên bị trao thêm cái trách nhiệm là “phải thay đổi” để hòa hợp với người lớn nữa. Vậy chúng ta có thể làm gì để cải thiện những hành vi chưa đúng?
Trong cuốn sách nổi tiếng có tên “Học làm cha mẹ hiệu quả”, Tiến sỹ Thomas Gordon đã viết:
”Một nghịch lý đơn giản nhưng tuyệt đẹp của cuộc sống: khi một người cảm thấy mình thực sự được chấp nhận bởi người khác như những gì vốn có thì anh ấy sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái và bắt đầu nghĩ xem mình muốn thay đổi như thế nào, muốn trở thành người như thế nào, muốn khác trước như thế nào và muốn phát huy tiềm năng bản thân như thế nào.”
Từ quan điểm trên, chúng ta có thể thấy rằng cách để cải thiện những rắc rối thực ra không quá khó. Trước tiên hãy kết nối để thấu hiểu cảm xúc của con bạn. Mỗi hành động, lời nói của trẻ đều mang những thông điệp cụ thể và bạn phải hiểu được nhu cầu của con qua thông điệp đó. Tiếp theo là dành cho con sự chấp nhận đối với tất cả hành vi như một phần con người chúng. Sự chấp nhận ở đây bao gồm lắng nghe và tôn trọng: cho con cơ hội được bày tỏ, tuyệt đối không phán xét hay đánh giá; tôn trọng tất cả thuộc về con người chúng, bất kể tốt xấu. Chấp nhận hoàn toàn KHÔNG có nghĩa là đồng tình hay cổ súy cho hành vi, mà đó là sự đồng cảm và ghi nhận khó khăn của con, cho con thấy bạn luôn ở bên chúng. Khi đứa trẻ cảm thấy thoải mái, an toàn cạnh những người lớn đáng tin cậy, trẻ sẽ dần cải thiện bản thân theo hướng tích cực.
Và cuối cùng, hãy tin tưởng con và tin vào chính mình.