"Điệu nhảy của 12 công chúa" - Chỉ nhảy thôi mà!
lắm

Có những việc trẻ làm thật khó chấp nhận trong mắt cha mẹ, nhưng thực sự thì có cần phải “căng” đến thế không?
Đậu được tặng một quyển truyện cổ tích và gần đây nó lại hứng thú mang ra đọc. Trong đó có câu chuyện “The Twelve Dancing Princesses” (“Điệu nhảy của 12 công chúa”) kể về một ông vua luôn cảm thấy khó hiểu vì đôi giày của 12 cô con gái cứ mòn đi sau mỗi đêm, như thể các nàng công chúa đã lẻn ra ngoài nhảy múa mặc dù ngài luôn khóa chặt cửa phòng ngủ của họ vào buổi tối. Vậy họ đã đi đâu và bằng cách nào? Nhà vua thông báo sẽ trao thưởng cho bất kỳ ai tìm ra lời giải trong vòng ba ngày, nếu quá hạn mà không có đáp án, người đó sẽ bị hành hình. Cuối cùng có một chàng lính - nhờ sự chỉ bảo của một bà cụ bí ẩn - đã phát hiện ra bí mật của 12 công chúa, chàng ta được kết hôn cùng công chúa lớn nhất và sau này nối ngôi trị vì vương quốc.
Thông điệp của câu chuyện là:
- Sự thật luôn luôn được sáng tỏ. - Tầm quan trọng của việc lắng nghe ý kiến từ người lớn tuổi.
Nhưng, với góc nhìn của một đứa trẻ, cảm nhận của chúng có thể sẽ khác.
Sau khi đọc xong, mình hỏi Đậu:
- What do you think about this story? [Con thấy truyện này thế nào?] - (vì truyện bằng tiếng Anh nên tiện mồm hỏi bằng tiếng Anh thôi chứ nhà mình vẫn thuần Việt).
- Well… it’s kind of not fair. [Không công bằng cho lắm.]
- Why? [Tại sao thế?]
- You know, no one should know another's secret and the king shouldn’t do that. And it’s not the soldier's business. They just go dancing and dancing and dancing, that’s all. And why didn’t the soldier ask if the princess wanted to marry him? [Không ai nên xen vào bí mật của người khác và nhà vua không nên làm thế. Và đó cũng chẳng liên quan đến người lính. Họ (các công chúa) chỉ đi nhảy thôi mà. Và tại sao người lính không hỏi cô công chúa xem liệu cô có muốn lấy anh ta không?]
- Um.. I agree. The princess has the right to choose her husband. [Ừ, mẹ đồng ý. Công chúa có quyền tự chọn chồng mà.]
- Yes, so the story is a little little little bit stupid. [Thế nên câu chuyện nghe hơi ngốc nghếch một tí.]
Xem ra Đậu có vẻ không quan tâm đến thông điệp của tác giả lắm :))
Ông vua trong câu chuyện là hình mẫu của rất nhiều cha mẹ trong xã hội hiện đại: có tiền, có quyền nhưng bó tay trong việc kết nối với con cái. Họ muốn biết con mình đang làm gì, đang nghĩ gì nhưng họ không cách nào bước được vào thế giới riêng của chúng, và cũng không biết phải làm sao để chúng mở lòng với mình. Điều duy nhất họ có thể làm là dùng quyền uy của người lớn nhằm tác động một cách thô bạo vào cuộc sống của con trẻ hoặc ép chúng phải theo ý mình. Hình ảnh căn phòng ngủ với cánh cửa bị khóa chặt giống như sự kìm kẹp, cấm đoán và kiểm soát thái quá của các bậc cha mẹ cực đoan.
Cha mẹ và con cái, dù có yêu thương, hòa hợp với nhau đến thế nào đi nữa, giữa hai thế hệ vẫn là những thế giới khác nhau. Vua cha khó có thể cảm nhận sự phấn khích khi được tham gia vào buổi tiệc tùng hay cảm giác say đắm trong từng điệu nhảy; các nàng công chúa cũng khó chấp nhận nếp sinh hoạt 10 giờ tối phải lên giường đi ngủ. Với những người trẻ tuổi tràn đầy năng lượng, “phố lên đèn mới là lúc em lên đồ”. Họ chỉ muốn được nhảy nhót, được hẹn hò cùng các hoàng tử tuấn tú, được vui chơi hết mình chứ đâu có gì quá đáng, phải không? Tiếc là nhà vua không hiểu tâm tư của các con. Ngài chỉ muốn can thiệp và kiểm soát.
Bên cạnh đó, giống như bất kỳ ai, mỗi đứa trẻ đều có bí mật. Tôn trọng con tức là tôn trọng cả những bí mật của chúng. Nếu chúng cảm nhận được sự an toàn, thoải mái, tin tưởng ở cha mẹ thì nhiều khả năng ta sẽ có cơ hội được lắng nghe chúng thổ lộ. Còn nếu không thì sao? Chấp nhận thôi cứ sao Cố tình xâm phạm bí mật của người khác - dù đó là con mình sinh ra - không những là hành động thô lỗ mà còn rất kém văn minh - nhất là trong thời đại đề cao quyền riêng tư của con người như ngày nay.
Và, tại sao nhà vua có thể dễ dàng cho phép một gã con trai xa lạ được kết hôn với con gái mình chỉ vì hắn giúp ngài khám phá bí mật của các công chúa. Rút cuộc thì cái gì là quan trọng với nhà vua? Những đứa con ruột thịt hay cái tôi to lớn của ngài?
Nếu là nhà vua, mình sẽ làm gì?
“Bố bảo, mấy đứa có thích party không? Cuối tuần bố cho mấy đứa rủ hết bạn bè đến đây, party linh đình, bố bao hết.”
Các nàng công chúa có lẽ sẽ thấy cha mình thật “kool ngầu”, sẽ tự hào với bạn bè vì người cha chất-như-nước-cất. Đồng thời nếu bạn bè chúng đến nhà, quan sát cách bọn trẻ tương tác, nhà vua cũng sẽ hiểu hơn về cuộc sống của các con, hiểu rồi thì đâu cần nhọc công đi tìm bí mật của chúng bằng mọi giá nữa.
“Mấy đứa nghe này, các con có thể chơi thoải mái vào cuối tuần, nhưng ngày thường thì cần đi ngủ đúng giờ để bảo đảm sức khỏe còn học hành và các việc khác. Khi ra ngoài chơi, các con được tự do, nhưng bố yêu cầu không làm việc gì gây hại cho bản thân và người khác. Cho bố những thông tin cơ bản như nơi đến, giờ về dự kiến để bố có thể xoay xở trong trường hợp các con gặp rắc rối. Sẽ rất nguy hiểm nếu chẳng may xảy ra chuyện mà bố lại không có một chút thông tin nào.”
Trẻ cần được tự do và trao quyền, nhưng các nguyên tắc và ranh giới cũng là vô cùng cần thiết bởi vì chúng bảo vệ chính đứa trẻ. Cha mẹ có trách nhiệm giải thích cho trẻ lý do đằng sau mọi yêu cầu. Khi thực sự hiểu điều đó có lợi cho mình, trẻ sẽ tuân thủ một cách “tâm phục khẩu phục”. Lưu ý, hãy đặt ra quy định với con vì lợi ích của bản thân con chứ không phải để thỏa mãn tính kiểm soát hay uy quyền của cha mẹ.
Và nếu là nhà vua, chắc chắn không đời nào mình buộc con gái phải lấy một người xa lạ theo cách chóng vánh, có phần ngớ ngẩn như thế. Cuộc đời của con ngài phải do chính nó quyết định, hôn nhân lại càng là vấn đề phải thận trọng.
Tuổi thanh thiếu niên được Maria Montessori ví như “giai đoạn sơ sinh thứ hai” của loài người. Có rất nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tâm sinh lý ở thời kỳ này là nguyên nhân sâu xa tạo ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta sẽ cùng nhau trải qua trong bình yên hay sóng gió, tất cả phụ thuộc vào mức độ thấu hiểu và yêu thương nhiều đến đâu, bởi vì chúng ta là những người đồng hành trong cuộc đời chứ không phải kẻ thù ở hai chiến tuyến.
(Ảnh: từ Canva)