top of page

[Bài dịch] Làm cha mẹ trong tâm thế chấp nhận triệt để


Chúng ta đều co rúm người khi nghe tiếng hét về phía con của mấy vị phụ huynh đang ngồi bên rìa sân cỏ, họ đầu tư nhiều kỳ vọng vào con đến nỗi mà bạn cảm tưởng như chiến thắng là của riêng chúng vậy.


Chúng ta lắc đầu trước những bà mẹ đứng trong cánh gà trên truyền hình, thúc đẩy những đứa trẻ đang khóc lóc ra biểu diễn và cố gắng thuyết phục người xem rằng họ đang làm tất cả là vì con chứ không phải vì bản thân họ.


Chúng ta kinh hãi trước những bậc cha mẹ từ chối con mình vì tính dục của chúng.


Thật quá dễ để lấy được ví dụ như trên về các bậc phụ huynh đang cố bảo vệ kỳ vọng và mục tiêu của chính họ lên lũ trẻ. Hy vọng rằng, ngày nay chúng ta đã biết cách chấp nhận và trân trọng con cái mình vì chính con người của chúng chứ không phải là con người mà ta muốn chúng trở thành. Điều này là vô cùng quan trọng.


Nhưng liệu chúng ta đã thực sự biết phải làm thế nào chưa? Và chúng ta có biết cách truyền đạt sự chấp nhận của mình đến lũ trẻ qua những tương tác hàng ngày không?


Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ bắt gặp ở khắp nơi những ông bố bà mẹ đang cố gắng thay đổi con cái để dễ đạt kỳ vọng của họ hơn. Và chúng ta thấy chuyện này không có gì đáng phải nghĩ ngợi cả. Việc đó được gọi là “nuôi dạy con cái” và bạn được đánh giá là những bậc phụ huynh tốt nếu bạn kiểm soát được con mình và đảm bảo chúng hành xử theo cách mà bạn chấp nhận được.


Chúng ta làm việc đó với những ý định tốt đẹp nhất. Chúng ta muốn con cái trưởng thành là những con người tốt, dễ mến, biết tôn trọng, lịch thiệp, nhiệt tình, lịch sự và nói chung là thành “người tốt”. Việc chúng ta hy vọng những điều đó là hoàn toàn tự nhiên! Chỉ có cách chúng ta làm thì sai thôi.


“Chúng ta lo lắng về những gì một đứa trẻ sẽ thành trong ngày mai mà quên đi con người của chúng trong hôm nay.” – Stacia Tauscher

CÁCH CHÚNG TA TRUYỀN ĐẠT SỰ TỪ CHỐI VỚI TRẺ


Hầu hết mọi người tin rằng việc của người lớn là uốn nắn lũ trẻ, vì vậy mà chúng ta cứ tiếp tục nỗ lực để tạo ảnh hưởng lên chúng, thay đổi chúng, tác động vào những lựa chọn cá nhân của chúng, và củng cố những hành vi được cho là đúng. Chúng ta có thể không thể hiện rõ rệt như vị phụ huynh hét lên từ rìa sân cỏ kia, nhưng thông điệp vẫn được truyền tải một cách rất tinh tế: thôi nào con, hay biểu diễn vì mẹ, trở thành con người mà mẹ muốn, cư xử như mẹ muốn đi nào.


Chúng ta đã từ chối bằng việc bác bỏ hoặc chỉ trích cảm xúc, nhu cầu, ý kiến hoặc quyết định của trẻ.

Chúng ta đã từ chối bằng việc so sánh trẻ với người khác qua sự nỗ lực gây ảnh hưởng lên chúng.

Chúng ta từ chối bằng việc cảm thấy xấu hổ về con người thật của trẻ, khi chúng ta phải xin lỗi người khác vì chúng.

Chúng ta từ chối bằng việc hạn chế quyền tự do của trẻ chỉ để bản thân cảm thấy thoải mái.

Chúng ta từ chối bằng việc không cho phép trẻ được tự chủ trong vận động cơ thể.

Chúng ta từ chối khi ra lệnh cho trẻ những việc chúng được làm và những thứ không được phép để tâm, chế giễu trẻ vì chúng để ý đến những điều mà chúng ta cho rằng không quan trọng.

Chúng ta từ chối bằng cái cau mày không tán thành.

Chúng ta từ chối cái tôi của trẻ bằng lời khen và phần thưởng.

Chúng ta từ chối bằng việc đánh giá các đặc điểm tính cách của trẻ là tiêu cực và cố gắng sửa đổi chúng.

Chúng ta từ chối bằng việc buộc trẻ phải im lặng và đặt trẻ vào những tình huống không thoải mái với hy vọng làm cho chúng trở nên cởi mở hơn.

Chúng ta từ chối bằng việc rầy la những đứa trẻ hướng ngoại ồn ào để chúng phải kiểm chế hơn.

Chúng ta từ chối bằng việc khiến những đứa trẻ có sự tự tin mạnh mẽ trở nên dễ nghe lời hơn.

Chúng ta từ chối bằng việc đánh giá sự nhút nhát của trẻ và gây áp lực buộc chúng phải hòa đồng hơn.

Chúng ta từ chối bằng việc tập trung vào việc dập tắt những hành vi khiến người lớn không hài lòng, thay vì giao tiếp và cùng nhau giải quyết các vấn đề.

Chúng ta từ chối bằng vô vàn cách khác nhau, một số thì rất rõ ràng, một số thì nhẹ nhàng hơn như giọng nói của chúng ta vậy.


Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì liên tục cố gắng uốn nắn trẻ thành con người mà ta cho rằng chúng nên hướng tới, thì hãy chấp nhận con người chúng của hiện tại? Bởi vì trẻ đang là một con người của hiện tại. Một con người tuyệt vời đáng để ta lưu tâm và trân trọng. Một con người duy nhất xứng đáng có được sự trân trọng cho sự khác biệt của chúng chứ không phải là khiến chúng nản chí.


Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chịu thực hành việc chấp nhận một cách triệt để và chấm dứt việc thay đổi trẻ? Thay vào đó, sẽ như thế nào nếu chúng ta tin tưởng rằng: một khi một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng tình yêu, sự tôn trọng, tấm gương tích cực từ cha mẹ và chấp nhận, trẻ hoàn toàn sẽ trở thành một “người tốt”?


“Bạn không thể dạy một đứa trẻ cư xử tốt hơn bằng cách khiến chúng cảm thấy tệ hơn. Khi trẻ cảm thấy khá hơn, chúng sẽ cư xử tốt hơn.” – Pam Leo

ĐIỀU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY?


“Chúng ta có nên để trẻ làm bất kì điều gì chúng muốn không? “

“Điều đó là sai trong thế giới hiện tại!”.


Tôi đã được nghe những bình luận như thế. Điều này có nghĩa là nếu bạn thay đổi quan điểm, tiếp cận từng tình huống xảy ra bằng sự chấp nhận, thì bạn sẽ không còn nhìn thấy những “hành vi cần kiểm soát” hoặc “những con người cần thay đổi” nữa, và bạn sẽ bắt đầu nhận ra “nhu cầu được giao tiếp” hay “những cảm xúc cần nhận được sự đồng cảm”. Bạn chấp nhận trẻ như con người chúng vốn có, và tìm cách để cùng nhau sống thật vui.


THẾ NÀO LÀ CHẤP NHẬN TRIỆT ĐỂ?


“Một khi chúng ta đã tách khỏi kỳ vọng về việc một người khác “nên” cư xử như thế nào và chúng ta đối diện với con người thật của họ, thì sự chấp nhận mà chúng ta thể hiện với họ sẽ xây dựng sự kết nối một cách tự nhiên.” – Tiến sỹ Shefali Tsabary

Khi tôi nói “sự chấp nhận triệt để” thì ý của tôi chính là- như Tiến sỹ Shefali đã mô tả - hãy loại bỏ những suy nghĩ mang tính định kiến của mình về cách trẻ “nên” xử sự và thay vào đó, phản hồi chúng từng chút một. Chúng ta cần loại bỏ những ý kiến mà xã hội mang lại về việc trẻ “nên” làm gì, hay định nghĩa của chính chúng ta về một đứa trẻ “ngoan”, những hy vọng mang tính thành kiến về con người trẻ trong tương lai, hay bất kì những cái mác nào mà chúng ta gắn lên trẻ (ví dụ: nhút nhát, liều lĩnh, độc lập, lười nhác, ngang ngược, v.v…). Chúng ta hãy để trẻ được là chính con người của chúng trong mọi khoảnh khắc, chứ không phải là ép buộc hoặc yêu cầu trẻ phải thay đổi bản thân vì chúng ta. Khi một vấn đề phát sinh, thay vì tập trung vào việc trẻ cần phải thay đổi như thế nào vì bố mẹ, chúng ta hãy tập trung vào bản thân mình và những việc chúng ta có thể làm. Chúng ta đồng cảm và giao tiếp với chúng theo cách có thể đảm bảo nhu cầu của tất cả mọi người.


Thông thường, chúng ta cảm thấy bản thân bị thách thức bởi những hành vi của trẻ, hoặc những hành động mang tính cá nhân của chúng, bởi vì chúng ta lo lắng rằng đó sẽ là thước đo của “sự thành công” với tư cách làm cha mẹ. Chúng ta tự đánh giá con cái theo cách tiêu cực và cảm thấy nhu cầu cần loại bỏ hành vi này ngay lập tức, nếu không thì trẻ sẽ lớn lên và trở thành con người khó ưa. Nhưng chúng ta thực sự đang truyền tải cái gì qua việc đánh giá và tỏ ra xấu hổ về cảm xúc hoặc hành vi của con? Đó có thể là: chúng ta không chấp nhận con người của trẻ, đó có thể là: trẻ phải làm hài lòng người lớn, đó có thể là: tình yêu và sự chấp nhận của bố mẹ là có điều kiện, hoặc là: vẻ bề ngoài thì quan trọng hơn cảm xúc của trẻ.


“Sự hổ thẹn ăn mòn chính những thứ mà chúng ta tin mình có thể thay đổi” - Brené Brown

CON BẠN CÓ QUYỀN ĐƯỢC NGƯỜI LỚN CÔNG NHẬN

“… điều rất quan trọng là, làm cha mẹ, chúng ta phải giải phóng mình khỏi ảo tưởng và đó là điểm khởi đầu của việc chấp nhận chính con người của trẻ. Chúng ta là ai mà có thể phán xét trẻ? Chúng cần được biết rằng chỉ đơn giản với việc tồn tại trên Trái Đất này, chúng có quyền được công nhận con người thật của mình. Chúng ta không phải là người trao cho trẻ cái quyền này. Chừng nào trẻ còn hơi thở, chúng có quyền được nói lên suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc và thể hiện tinh thần. Những quyền này được ra đời cùng tờ giấy khai sinh.” – Tiến sỹ Shefali Tsabary.


Tất cả chúng ta có quyền được là chính mình, và trẻ em không nằm ngoài phạm vi đó. Một trong những đức tin lớn nhất và lan tỏa nhất trong việc nuôi dạy con cái là quan điểm: công việc của cha mẹ là uốn nắn con trẻ thành một kiểu người nhất định khi trưởng thành. NHƯNG, con cái không thuộc sở hữu của riêng chúng ta, chúng có quyền được là bản thân chúng, quyền được công nhận và tôn trọng. Trẻ không cần phải làm bất cứ điều gì để có quyền lợi này. Không phải hành động như người lớn yêu cầu, suy nghĩ theo cách người lớn bảo, thích những điều người lớn muốn. Sự chấp nhận này không cần điều kiện, hay là phụ thuộc vào hành vi nào cả.


Bất cứ khi nào chúng ta tiếp cận một tình huống với tư duy rằng: việc của mình là làm cho trẻ “cư xử” theo cách đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ (hoặc người khác) về con người mà trẻ cần phải trở thành, chúng ta sẽ gửi đi một thông điệp rằng chúng ta đang không chấp nhận con người hiện tại của trẻ. Trẻ có quyền thể hiện quan điểm, cảm xúc, suy nghĩ, và nhu cầu như bất kỳ một người lớn nào, thậm chí ngay cả khi chúng trái ngược với chúng ta.


Thay vào đó, chúng ta cần chuyển từ thứ kỳ vọng cố định rằng 'trẻ phải trở thành con người như chúng ta mong muốn', sang việc chấp nhận con người hiện tại của chúng. Khi chúng ta có thể giao tiếp theo hướng đó, chúng ta sẽ chấm dứt được việc thay đổi hành vi của trẻ, mà thay vào đó là sự tương tác với một cá nhân và tìm ra giải pháp mà cả hai đều hài lòng.


CHẤP NHẬN TRIỆT ĐỂ LÀ NHƯ THẾ NÀO?


Những đứa trẻ thực sự tuyệt vời và để hiểu về chúng là một đặc ân. Nếu chúng ta cởi mở cho phép, trẻ có thể dạy ta rất nhiều về cuộc sống và bản thân. Nhưng trước hết, chúng ta phải chấp nhận con người bẩm sinh của trẻ thay vì cố gắng uốn nắn chúng trở thành kiểu người mà ta nghĩ chúng nên hướng tới.


Chỉ đơn giản là nghĩ thì chưa đủ, chúng ta cần phải thể hiện. Con cái chúng tra cần biết rằng chúng hoàn toàn được chấp nhận và đón nhận bởi sự độc nhất của chúng. Chúng ta sẽ thể hiện như thế nào?


1. Hiểu con mình

Trước khi bạn có thể chấp nhận một ai đó, bạn phải hiểu họ! Và để hiểu họ thì bạn cần dành thời gian cho họ. Thời gian mà bạn hiện diện và hòa nhập với họ. Thời gian bạn thực sự lắng nghe họ. Thời gian để chia sẻ những niềm vui. Thời gian để làm những việc bình thường và đặc biệt. Chú ý đến tất cả những điều nhỏ nhất để khiến con bạn thực sự được là chính mình.


2. Tập trung vào hiện tại

Hãy quên đi tương lai và việc tạo ra một người lớn. Thay vào đó, tập trung vào con người hiện tại của con. Đó là người đang đứng trước mặt bạn và cần sự chấp nhận của bạn. Nếu chúng ta luôn luôn lo lắng về việc dạy trẻ “các bài học” để trở thành người lớn, chúng ta sẽ bỏ lỡ những con người đang cần được để ý ngay hôm nay. Những khoảnh khắc của hiện tại là thứ đáng được đầu tư. Hãy làm điều đúng đắn này và dù sao đi nữa thì tương lai cũng sẽ không đáng lo đâu, bởi vì bạn đã dành chính những năm tháng của hiện tại để xây dựng niềm tin, sự kết nối và tôn trọng.


3. Thay đổi quan điểm của bạn và đánh giá cao sự khác biệt

Quyết định những yếu tố thực sự quan trọng. Liệu với bạn, yếu tố quan trọng là đạt được những thứ chính xác theo cách mà bạn muốn/mong đợi chúng, hay là tôn trọng quyền cá nhân của con cái và thể hiện sự chấp nhận? Có thể con bạn bừa bộn hơn bạn, có thể chúng có một phong cách ăn mặc độc đáo mà bạn không thể hiểu nổi, có thể chúng thích đọc sách hơn là đi bộ đường trường cùng bạn. Điều đó có thực sự là vấn đề không? Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng để đồ đạc cá nhân một cách lộn xộn? Đó có thể là cách mà chúng muốn! bạn không cần phải hiểu hoặc tự liên tưởng đến một ai đó thì mới có thể chấp nhận con người của chúng. Sẽ chán nản làm sao nếu bố mẹ của mình lại cảm thấy xấu hổ hay thất vọng vì con người mình? Thay đổi quan điểm đi nào. Sự khác biệt là yếu tố khiến mọi vật trở nên thú vị.


4. Tiếp cận vấn đề bằng lòng trắc ẩn

Thay vì cố gắng thử nghiệm vô số những “mẹo” nuôi dạy con để làm cho bọn trẻ biết cách cư xử, hãy tiếp cận các tình huống theo cách giữa người với người. Khi chúng ta thất vọng hoặc cáu giận trước hành vi của một người nào đó, đó là bởi vì chúng ta có nhu cầu chưa được đáp ứng. Thay vì cứ luôn tìm cách để kiểm soát tình hình, hãy tập trung lắng nghe điều mà trẻ đang cố gắng để nói với bạn. Chúng đang bày tỏ cảm xúc và nhu cầu gì? Cảm xúc và nhu cầu của chúng là gì? Kết nối các yếu tố đó với nhau! Đó không phải cố gắng thay đổi một con người, đó là sự giao tiếp bằng cách hiệu quả và tôn trọng để đáp ứng nhu cầu của tất cả. Thật không may, rất nhiều người trong chúng ta không giỏi làm việc này cho lắm!


5. Truyền đạt sự chấp nhận

Hãy thể hiện với con bạn bằng những hành động và lời nói rằng bạn coi trọng và chấp nhận chúng. Cho chúng sự tự do thể hiện bản thân, luôn luôn lắng nghe ý kiến của chúng, thể hiện sự đánh giá, chia sẻ niềm vui với chúng. Hãy để chúng biết rằng bạn nhìn nhận chúng bằng con người thật, rằng bạn lắng nghe điều chúng nói, bạn thấu hiểu chúng. Hãy giữ cho chúng được an toàn, nhưng đừng đặt ra giới hạn với chúng bằng những lí do vô căn cứ, ví dụ như các quan điểm lỗi thời về con người mà chúng “nên” trở thành.


6. Hiểu nguyên nhân khiến bạn kích động

Chúng ta thường mắc cái bẫy cố gắng thay đổi con người của trẻ khi chúng ta bị kích thích bởi hành vi mà chúng thực hiện, bởi vì điều này gợi chúng ta về những sự kiện trong quá khứ. Có thể sự gợi nhớ này từ con làm bạn thất vọng bởi vì khi bạn còn nhỏ, bạn đã cảm thấy mình không được phép có được sự tự do như thế. Có lẽ bạn giận khi bạn thấy con mình đang ra oai với một em bé nhỏ hơn bởi bạn đang nhớ lại mình đã từng bực bội thế nào khi còn là một đứa trẻ. Có thể sự nhút nhát của con bạn đang khiến bạn khó chịu vì bạn luôn được khen ngợi về tính cách cởi mở. Bất cứ khi nào chúng ta có phản ứng tiêu cực mạnh mẽ đối với hành vi của trẻ, thì hãy sáng suốt tự hỏi bản thân rằng điều gì đang thực sự xảy ra? Chúng ta cần giải quyết cảm xúc của chính mình để đồng cảm với con cái một cách hiệu quả. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ thể hiện với trẻ rằng chúng ta không chấp nhận bản chất của chúng.


7. Nhận ra những cách thể hiện sự từ chối dù là kín đáo nhất

Nếu chúng ta muốn thay đổi điều gì đó, chúng ta phải nhận thức được rằng mình ĐANG làm việc đó! Bạn đang thể hiện rằng bạn không chấp nhận con người của trẻ bằng những cách nào? Có thể bạn cảm thấy hổ thẹn vì hành động của chúng, xin lỗi vì hành vi chúng thực hiện, khen ngợi và thưởng chúng khi chúng làm “việc tốt”, yêu cầu chúng làm những việc trong danh sách yêu thích của bạn, kìm nén cảm xúc của chúng, giới hạn sự lựa chọn của chúng trong phạm vi chỉ có những thứ bạn muốn? Hãy lưu ý khi bạn đang làm những việc kiểu này và thay đổi bằng một sự chấp nhận triệt để.


8. Cảm thông

“Hành vi của người khác càng không phù hợp với tôi, tôi càng cảm thông với họ và nhu cầu của họ, tôi càng có nhiều khả năng đáp ứng được nhu cầu của chính mình” – Marshall Rosenberg

Trong mọi tình huống, hãy cảm thông. Việc này không bao giờ sai. Sự cảm thông là thứ rất có hiệu lực và là cách tuyệt vời để thể hiện sự chấp nhận.


9. Chấp nhận bản thân bạn

Nếu bạn tin rằng mọi người đều xứng đáng được chấp nhận vì chính con người thật của mình, thì phải bao gồm cả bạn nữa! Học cách chấp nhận và tôn trọng sự độc đáo của bản thân. Cho con thấy việc chấp nhận chính con người mình là thế nào.


Trẻ có quyền được đón nhận một cách đầy đủ vì chính bản chất của chúng, và chúng sẽ phát triển mạnh mẽ khi được trao sự chấp nhận. Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn bên những người không ngừng cố gắng thay đổi bạn. Uốn nắn và định hình bạn theo cách họ nhìn nhận về bạn. Thật khó chịu làm sao và giá trị của bạn sẽ bị hủy hoại như thế nào. Một sự chấp nhận triệt để liên tục được thể hiện sẽ là một món quà quý dành cho con trẻ.


“Để được ai đó nhìn nhận đầy đủ và được yêu thương dù thế nào đi nữa – là một sự hiến dâng của con người có thể sánh với sự kỳ diệu” – Elizabeth Gilbert

Link bài gốc: https://happinessishereblog.com/parenting-radical-acceptance/]

Ảnh: Canva

9 views0 comments
bottom of page