top of page

Bước qua mùa dịch bằng tâm thế chấp nhận

Mùa dịch vẫn chưa chấm dứt và việc lũ trẻ ở nhà mang lại cho bố mẹ đủ mọi nỗi niềm cùng những tiếng thét. Mỗi ngày trôi qua đều đặn với một tổ hợp thập cẩm gồm: niềm vui, kết nối, phờ phạc, căng thẳng, ức chế, bao câu chuyện dở khóc dở cười. Làm cha mẹ chính là thế: hạnh phúc nhưng đầy thách thức. Bao nhiêu bố mẹ đã phải mếu máo hỏi rằng: làm thế nào để nó cho mình nghỉ ngơi một chút, làm thế nào để nó cho mình có thời gian còn làm việc?


Mình cũng không khác gì mọi người. Có những hôm, cứ đến cuối ngày nghe con gọi “mẹ ơi” mà bỗng thấy một cảm giác sợ hãi trào dâng bao trùm cả cơ thể. Còn tiếng hét của chúng thì khiến mình có cảm giác như tiếng nổ kinh thiên động địa dội thẳng vào não vậy. Mình không nói quá đâu, nghe thì có vẻ hơi ngoa nhưng đấy chính là những gì mình cảm thấy. Và điều đó buộc mình phải trăn trở: cách nào để sống sót?


Sự thật là, chúng ta phải chấp nhận hiện thực bệnh dịch sẽ kéo dài và cha mẹ buộc phải dành ưu tiên nhất cho con giữa vô vàn rối ren phát sinh bởi sinh hoạt bị xáo trộn.

Sinh con ra có nghĩa là bạn phải chấp nhận cuộc sống của bạn không còn hoàn toàn là của bạn nữa, và bản thân bạn không thể là số 1 nữa. Những sinh linh nhỏ bé kia cần bạn. Và vì là người lựa chọn sinh ra chúng, bạn phải có trách nhiệm đáp ứng khi chúng cần.


Hãy buông hết những việc đang dang dở và lắng nghe xem con muốn gì, cho dù đó là nhu cầu nhỏ nhặt hay câu chuyện tầm phào nhất. Bằng thái độ nghiêm túc lắng nghe, bạn đã tạo cho con cảm giác chúng được tôn trọng. Chúng cũng sẽ nhận ra mình được yêu thương và hình thành nên sự tin tưởng tuyệt đối với gia đình, coi gia đình là bến đỗ bình yên luôn coi trọng, che chở chúng. Đứa trẻ được yêu thương cũng sẽ biết yêu thương. Chỉ bằng một hành vi nhỏ, bạn đã đặt một viên gạch vào hành trình xây dựng nhân cách tốt của con rồi đó.


Cũng có thể bạn đang phải làm một việc rất quan trọng, không làm thì sẽ ảnh hưởng đến công việc chung hay thậm chí là “nồi cơm” của cả nhà. Mình hiểu cái khó của bạn. Nhưng dù sao đi nữa, bạn vẫn phải nhớ rằng: không có gì quan trọng hơn con cái cả. Sự trì hoãn trong việc lắng nghe con có nguy cơ làm mất kết nối, đẩy con trẻ vào trạng thái cô đơn cũng như rất nhiều hệ luỵ không tốt khác. Hãy cùng nhau ngồi xuống và tìm các giải pháp hài hoà cho cả hai bên.


Một trong những giải pháp thông thường nhất mình hay làm là ngồi xuống ngang tầm mắt và nói với con:


- Con à, hiện tại mẹ có một việc cực kỳ cấp bách cần phải xử lý ngay, con đợi mẹ 5 phút/10 phút/15 phút để mẹ hoàn thành xong công việc đang dở này, sau đó mẹ sẽ ra chơi với con nhé.


Hoặc:


- Con muốn mẹ chơi cùng phải không, nhưng hiện tại mẹ cũng đang có một việc khá gấp cần làm. Vậy bây giờ mẹ chơi với con 15 phút/20 phút rồi sau đó mẹ sẽ quay lại công việc nhé.


Thật tốt đẹp nếu em bé đồng ý và mọi sự diễn ra y như thỏa thuận. Nhưng nếu em bé không chịu chờ, hay là “lật kèo” không cho mẹ quay lại làm việc sau khoảng thời gian đã thoả thuận, thì chúng ta vẫn cứ phải chấp nhận thôi. Mè nheo quả là khó chịu, nhưng con vẫn đòi mẹ tức là thời điểm này em bé đang có nhu cầu tình cảm rất lớn, việc không được thỏa mãn sẽ khiến tâm hồn bé bỏng cảm thấy tổn thương và hụt hẫng. Thêm nữa, đằng nào thì bọn trẻ cũng không để bạn yên thân làm việc được đâu nên hãy ráng kiên nhẫn với con một chút nhé, các cha mẹ! Đừng sợ rằng như thế sẽ tạo điều kiện để con quen thói mè nheo và đòi mẹ bất chấp lý lẽ. Trẻ con không toan tính nhiều đến thế, chúng đòi hỏi vì đơn giản là chúng cần, vì ở độ tuổi mầm non, gia đình là điểm tựa con tin tưởng nhất. Khi con bắt đầu hình thành con người xã hội (tầm từ 6 tuổi trở lên), trẻ sẽ tách dần ra khỏi gia đình và chấm dứt những mè nheo.


Tìm một sự giúp đỡ

Hãy tận dụng hết mọi mối quan hệ mà bạn tin tưởng để nhờ vả. Đây có thể nói là thời điểm mà trí thông minh, khả năng “phản ứng nhanh” của các bố mẹ được phát huy triệt để. Ông bà nội ngoại, hàng xóm, gom nhóm những gia đình thân thiết để chia nhau trông v.v… Tất cả những gì mà bạn có thể nghĩ ra, hãy thử. Trong tình hình cấp bách như đang phải làm một chuyện quá gấp và không có ai để nhờ, hãy “nhờ” thiết bị điện tử (tv, điện thoại, ipad…). Bản thân công nghệ không xấu, chỉ cần chúng ta không lạm dụng thường xuyên là được.


Phân chia công việc và thống nhất giữa các thành viên

Cùng nhau ngồi lại và phân chia các đầu việc hàng ngày phù hợp nhất giữa bố - mẹ - con cái để đảm bảo mỗi người đều có sự cân bằng tối thiểu, giảm nguy cơ xảy ra tình trạng kiệt sức cực kỳ nguy hiểm với cha mẹ. Nghiêm túc thực hiện theo những gì đã thoả thuận cũng là cách giúp con trẻ học hỏi về trách nhiệm cũng như kỷ luật.


Covid-19 ập đến kéo theo rất nhiều hệ luỵ nhưng cũng không hẳn là chỉ toàn tiêu cực. Đừng nhìn sự việc bằng góc nhìn của sự chán chường, thất vọng hay bế tắc. Hãy coi đây là cơ hội để quan sát con mỗi ngày, ngắm nhìn chúng, hồi tưởng về cả quãng đường mà các bạn đã song hành cùng nhau từ khi mang thai cho đến hiện tại, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của việc làm cha mẹ mà bình thường vốn bị vòng xoáy “cơm áo gạo tiền” cùng nhịp sống hối hả che đi mất. Và dù thế nào đi nữa, cha mẹ cũng phải nhớ rằng con cái luôn là ưu tiên. Hãy bình tĩnh và chấp nhận, mọi khó khăn đều có giải pháp, chúng ta chỉ việc đi tìm thôi.


(Ảnh: Canva)


0 views0 comments
bottom of page