BẠN ĐỌC SÁCH ĐỂ LÀM GÌ?

Trên một group về sách, tôi đọc được chủ đề “Tại sao phải đọc sách?”
Những tưởng một chủ đề tích cực và trong một nhóm có vẻ là tích cực như vậy thì người ta sẽ cùng đóng góp những ý kiến hữu ích. Nhưng khác với tưởng tượng của tôi, mọi người lại tranh luận và – tôi cho là – có phần công kích chủ nhân của bài viết. À, tôi cũng xin phép nói thêm rằng đó là một bài viết có nội dung khá bình thường, không có yếu tố gây tranh cãi.
Thú thực là tôi sợ những năng lực tiêu cực nên khi thấy dấu hiệu xấu, tôi đã phải rời khỏi topic ngay. Tôi bỗng ngẫm nghĩ lý do đọc sách của chính mình, muốn ghi lại tại đây để nhiều năm sau nhìn lại và so sánh.
Tôi đọc sách vì… sĩ diện
Tôi vốn không phải đứa thích đọc sách đâu, nói thật đó chứ không cố tình gây chú ý gì cả. Tôi không phải người tài năng xuất chúng, cũng không có thành tích quá đáng nể. Thậm chí, tôi còn là đứa bản chất lười học vô cùng, và lại còn hay nản chí, không kiên trì theo đuổi việc gì từ đầu đến cuối. Nhưng tôi lại cũng là đứa có tự tôn cao, vì vậy mà tôi không thể để ai đó nghĩ về mình với hình ảnh một đứa con gái dốt nát, học thức kém được. Sách chính là phương tiện cung cấp kiến thức của tôi. Bạn có thể sẽ muốn biết rất rất nhiều kiến thức, và đương nhiên là không thể cứ muốn biết thì phải đến đâu đó để học. Sách là cách tốt nhất để tự học. (Tất nhiên, được chỉ bảo trực tiếp thì sẽ tốt hơn nhiều)
Vì sĩ diện mà tôi tự giác tìm đến sách nhiều thể loại để đọc, rồi càng đọc, tôi càng cuốn. Có những quyển khó nhằn vô cùng, tôi dành hàng tháng (có khi hàng năm) để tiêu hóa, cho đến khi nào tôi xây dựng đủ ý niệm về nó thì thôi. Nhưng cũng có những quyển tôi bỏ dở. Sách cũng là cái duyên các bạn ạ, có những thời điểm mình đã mở ra không nhưng không phù hợp, và có những lúc bỗng dưng quay trở lại với nó và đọc như bị thôi miên.
Tôi đọc sách để tìm sự thanh thản
Trong suốt 35 cuộc đời, tôi đã có những thời điểm cực kỳ khó khăn. Có những lúc tôi suy sụp đến tàn tạ mà loay hoay không biết tìm đến ai để chia sẻ, tôi cũng không biết phải nói như thế nào để thổ lộ nỗi lòng. Tôi mua về rất nhiều tiểu thuyết để giải sầu. Tôi đọc, tưởng tượng mình là nhân vật, cảm nhận suy nghĩ của họ, hành động của họ. Thêm nữa, cảm giác được sống trong câu chuyện sao mà hạnh phúc quá, nhất là những tiểu thuyết tình yêu lãng mạn. Ấn tượng vương vấn đến nỗi theo tôi cả vào giấc mơ. Và tôi còn mong quyển sách sẽ kéo dài mãi mãi, để tôi mãi được sống trong thế giới ấy. Một câu chuyện điển hình khiến tôi mê muội là seri ‘Chạng Vạng’.
Tôi đọc sách để tìm ra chính mình
Bạn biết đấy, mỗi cuốn sách là thành tựu của một tác giả. Họ có những phong cách riêng và sẽ phù hợp với những đối tượng độc giả nhất định. Có người thích sự cá tính, có người thích nhẹ nhàng, có người thích tiết tấu nhanh, nhưng có người lại ưa sự chậm rãi. Tôi không biết các bạn thế nào, nhưng tôi đã từng hiểu sai về bản sắc của chính mình, cứ như tâm hồn tôi lại không phải là của tôi vậy.
Trước đây tôi đã nghĩ mình là người có tính cách và phong cách sống sôi nổi. Nếu tôi muốn, việc trở thành tâm điểm chú ý không phải chuyện khó khăn. Tôi thích những hoạt động khiến mình nổi bật. Nhưng thật lạ lùng, qua thời gian và những trang sách, tôi phát hiện ra, từ sâu thẳm tâm can, tôi không thực sự thoải mái với bản sắc đó. Tôi nhất thời không biết phải giải thích như thế nào, đại loại là tôi cảm thấy mình hợp với những câu chuyện an nhiên, nhẹ nhàng. Hợp nên mua tiếp, và càng đọc thì tôi càng hiểu ra mình thực sự thích sự tĩnh lặng hơn là sôi nổi. Dần dần, tôi đã không còn gây ấn tượng với cộng đồng bằng cách public những điều về cuộc sống hàng ngày của bản thân; cũng không còn công khai thể hiện quan điểm cá nhân nữa, tôi sợ bị chú ý. Tôi thậm chí còn kỳ công cài đặt một danh sách chỉ toàn những người thân thiết nhất để chia sẻ chứ ít khi chọn chế độ ‘Friends’ hay ‘Public’. Tôi thấy mình rất hạnh phúc với sự yên tĩnh và một cuộc sống bình dị, trầm lặng.
Gần đây, do đặc thù sự nghiệp mà tôi theo đuổi, tôi mới cởi mở trở lại, dù vẫn rất e dè.
Tôi đọc để tìm ra tông màu của mình
Như trên đã đề cập, mỗi tác giả sẽ có một giọng văn khác nhau. Cùng chủ đề nhưng họ sẽ thể hiện quan điểm khác nhau. Người thì đanh thép, quyết liệt; người lại nền nã, nhẹ nhàng. Người chọn ngôn từ đầy cá tính, không ngại tranh cãi; nhưng cũng có những người hòa nhã, từ tốn. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn với lối viết khiêm nhường, vẫn là cung cấp thông tin, nhưng câu từ ôn hòa thực sự thu hút tôi hơn. Do đó, tôi cũng chọn đó là phong cách viết của mình. Tôi không chuộng những lời gây tranh cãi. Thứ tôi luôn nỗ lực nhất khi viết bài, ngoài chất lượng ra, chính là sự khách quan. Tôi là người tự tin nhưng khiêm tốn. Do đó, tôi cũng không thích việc thể hiện cái tôi quá nhiều.
Sách là sự kiểm chứng cho những gì tôi đã thực hiện
Tôi là loại người luôn vận động trong tư duy. Tôi cứ tự mày mò đi theo hướng mà tôi cảm thấy hợp lý, áp dụng vào cuộc sống, rồi tự điều chỉnh, rồi lại thực hiện. Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết tôi làm thế có hợp lý không (tôi dùng từ ‘hợp lý’ chứ không phải là ‘đúng – sai’, bởi vì giá trị thay đổi ở từng góc nhìn)? Và rồi tôi tìm thấy câu trả lời trong sách. Cảm giác thật tuyệt khi thấy vấn đề của mình được đề cập, gọi tên đàng hoàng. Điều đó chứng tỏ, có những người khác giống như tôi, họ cũng đã làm như tôi. Nếu đúng đắn thì tôi tiếp tục phát huy, còn nếu không thì tôi cần thay đổi, và có khi sách còn gợi ý thay đổi như thế nào nữa.
Mọi tính chất là tương đối. Tôi không quá mê muội tin vào những gì sách viết mà vẫn luôn dùng tư duy phản biện để cân nhắc. Nhưng đến giờ phút này, tôi đảm bảo đọc sách thực sự có lợi, dù đó là sách khoa học, giáo dục, ẩm thực, hồi ký hay ngôn tình.
Đó là những lí do hàng ngày tôi sống cùng câu chữ. Thật tốt là ngày nay người ta quá dễ dàng để sở hữu sách, và thậm chí còn có nhiều loại hình sách khác nhau, tha hồ chọn lựa.
Còn bạn, bạn đọc sách để làm gì?