top of page

[Loạt bài về Montessori] – TÂM LÝ TRẺ SƠ SINH THEO GÓC NHÌN MONTESSORI

Updated: Jun 27, 2021



Montessori hiện đang là phương pháp giáo dục phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc tại một trường mầm non khá có tiếng về Montessori, mình nhận ra rằng không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu về triết lý cũng như ưu điểm của phương pháp này. Do vậy mà mình ấp ủ dự định viết loạt bài tổng hợp lại những thông tin cơ bản nhất của Montessori để chia sẻ với những người quan tâm. Đây là những hiểu biết của cá nhân mình, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp và trao đổi tích cực từ cộng đồng!

Sự phát triển về mặt sinh học

Trong cuốn “Bí ẩn tuổi thơ”, Maria Montessori đã tóm tắt khúc dạo đầu về mặt sinh học của thực thể sống như sau: những sinh vật sống đều có sự khởi đầu là một đơn bào gốc, trải qua quá trình phân chia tế bào liên tục, lũy tiến (1 thành 2, 2 thành 4, 4 thành 8…), gấp vào trong và chuyên hóa, trở thành một tổng thể phức tạp gồm các cơ quan và mô. Một trong những cơ quan đầu tiên được hình thành là trái tim với nhiệm vụ cao cả là đập những nhịp đều đặn, gấp gáp để bơm dưỡng chất cung cấp cho tất cả các mô và bộ phận còn lại, phục vụ cho quá trình phát triển của toàn bộ cơ thể.

Những tế bào sống nhỏ bé lần lượt được nhân lên, và bằng điều kỳ diệu của tự nhiên không thể lý giải, tự động phân hóa theo các chức năng khác nhau tại đúng vị trí cần thiết: trở thành tế bào thần kinh, thành tế bào da, tế bào sụn v.v… cho đến khi hoàn chỉnh thành một sinh vật sống mới chui ra chào thế giới.

Đời sống tâm lý phôi thai

Bên cạnh sự hình thành về mặt thể chất, mỗi sinh vật đều mang trên mình chức năng về mặt tinh thần. Điều này thể hiện qua bản năng, tập tính sẵn có ở từng loài vật, được phát huy sau khi chúng chào đời và tiếp xúc với môi trường tự nhiên. Ví dụ: con sâu bướm khi chui ra khỏi kén thì lập tức đi theo ánh mặt trời, hướng đến những ngọn lá non nhất và ăn ngấu nghiến; loài ong sống theo một cộng đồng có cấu trúc phức tạp; chim sở hữu sẵn khả năng bay lượn trên trời cao; loài kiến chăm chỉ lao động với một kỷ luật theo đàn nghiêm khắc… Tất cả những yếu tố mang tính bản năng tinh thần đó chắc chắn đã tồn tại ngay từ khi phôi thai bắt đầu hình thành. Vậy thì, một em bé sơ sinh cũng sẽ mang trên mình những khả năng tâm thần tiềm tàng, hình thành từ phôi thai tinh thần trong bụng mẹ (song song cùng phôi thai thể chất).

Nhưng, khác với các giống loài động vật, em bé sẽ không bộc lộ sớm những hành động mang tính bản năng (ví dụ: động vật có thể đi lại bằng đôi chân ngay khi chào đời, còn em bé thì mất một năm mới biết đi…). Dù cho tự nhiên đã định đoạt con người là loài sinh vật biến đổi thế giới bằng khả năng ngôn ngữ và sáng tạo tuyệt vời, nhưng khởi đầu của loài người lại chậm chạp hơn các loài khác. Em bé cần thời gian, sự chăm sóc cẩn thận, và một môi trường thật phù hợp để tiếp tục lớn lên. Sự ra đời có thể được coi là một giai đoạn chuyển tiếp khốc liệt và khó khăn với em bé, khi mà em phải tạm biệt cái bọc ấm áp, an toàn trong bụng mẹ để bước vào môi trường tự nhiên với bao điều lạ lẫm, buộc em phải đấu tranh để làm quen và thích nghi bằng cách vận dụng mọi giác quan. Điều này làm em căng thẳng biết bao. Bởi vậy, ngoài tình yêu, em bé còn cần được cảm thông và thậm chí là tôn kính. Em bé chính là hiện thân của sự hình thành tạo vật kỳ diệu của siêu tự nhiên, là “sự bí ẩn về cái vô biên bị giam hãm trong một hình thể hữu hạn”.

Sự liên quan giữa trẻ em và phân tâm học

Phân tâm học đã gây bất ngờ cho loài người với khám phá về ảnh hưởng của tuổi thơ tới những bệnh nhân rối loạn tâm thần. Người ta nhận ra rằng bên cạnh những tổn thương có thể nhìn thấy, thì những ký ức gợi lên từ tiềm thức thể hiện một ấu thơ với những tổn thương khác kín đáo hơn, diễn ra chậm chạp và dai dẳng hơn. Bên cạnh đó, khảo sát của phân tâm học chỉ ra rằng những mâu thuẫn trong ký ức thời thơ ấu không xảy ra giữa con người và môi trường, mà là xung đột giữa đứa trẻ và những người lớn gần gũi nhất. Tổn thương xuất phát từ những ức chế trong tâm hồn đứa trẻ trước sự áp bức của người lớn – những sinh vật lớn hơn về thể chất và có uy quyền lấn át. Người lớn lúc này biến thành một kẻ thống trị ép buộc em bé phải tồn tại như ý mình mà ít có sự thấu hiểu và cảm thông, làm tổn thương tâm hồn non nớt của em bé từ trong tiềm thức. Em bé còn quá nhỏ để ý thức được những gì đang diễn ra, do vậy mà trong quá trình lớn lên, nó có thể quên những ký ức nhưng tiềm thức thì vẫn lưu giữ, khởi nguồn cho những rối loạn tâm thần.

Tầm quan trọng của đời sống tâm lý giai đoạn ấu thơ

Trong lịch sử, người lớn đã có một hiểu lầm nghiêm trọng rằng đứa trẻ sơ sinh là một thực thể trống rỗng, hoàn toàn không có đời sống tâm lý, chỉ chờ người lớn lấp đầy từ thể chất (cho ăn, cho mặc) và tinh thần (dạy bảo, cung cấp kiến thức); như thể đứa trẻ quá sức yếu ớt, không thể làm gì vậy. Từ đó, người lớn tự cho mình quyền phán quyết. Họ áp đặt đứa trẻ những điều họ cho là đúng, những tiêu chuẩn họ đánh giá từ cái nhìn phiến diện của cá nhân. Tất cả những điều này, đôi khi được nhân danh “tình yêu”. Họ không biết hoặc quên mất rằng bên trong đứa trẻ có một ‘người thầy nội tại’. Người hướng dẫn vô hình này sẽ chỉ cho em bé cách tự tạo dựng nên những năng lực của chính mình; còn nhiệm vụ của họ – những người lớn – là chăm sóc, bảo vệ và tạo ra môi trường được chuẩn bị phù hợp nhất cho em bé theo từng thời điểm và giai đoạn phát triển.Khác với động vật, mỗi đứa trẻ không sinh ra với một tinh thần được thể hiện bằng hành động mang tính bản năng. Tinh thần của đứa trẻ tiềm ẩn sâu kín bên trong hình hài nhỏ bé. Trải qua thời gian, mỗi em bé – với những trải nghiệm và sáng tạo riêng biệt, không thể tiên đoán – sẽ dần dần bộc lộ bản thể của chính mình. Quá trình này cần được hỗ trợ bởi môi trường phù hợp và sự chăm sóc khoa học của người lớn để được diễn ra tốt đẹp nhất, để em bé được trở thành đúng là con người mà tự nhiên chủ định tạo ra.Trẻ sơ sinh thực sự sở hữu đời sống tâm lý và đây là yếu tố tối quan trọng, bởi vì đời sống tâm lý chỉ đạo và điều khiển mọi vận động. Tâm lý giúp em bé có một tập hợp vận động và trải nghiệm, học tập từ môi trường, từ đó kiến tạo trí thông minh. Đời sống tâm lý được hình thành từ khi bào thai còn ở trong bụng mẹ và tồn tại cho đến hết cuộc đời.

Lời kết

Maria Montessori dành cả cuộc đời để quan sát trẻ em trên toàn thế giới, không chỉ bằng con mắt của giáo dục mà còn bằng con mắt y khoa. Bằng những nghiên cứu của mình, bà phát hiện ra quyền năng kỳ diệu mà tự nhiên trao cho đứa trẻ sơ sinh. Bà đưa ra những thông tin làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của người lớn dành cho trẻ em, khiến họ phải bừng tỉnh và nhận ra vai trò thực sự của trẻ em đối với thế giới. “Đứa trẻ là kẻ sáng tạo ra con người, đứa trẻ là cha con người”.

Là những bậc cha mẹ của kỷ nguyên văn minh, chúng ta cần hiểu đúng về trẻ em và dành cho con sự tôn trọng đúng đắn nhất. Hãy từ bỏ suy nghĩ rằng “trẻ con không biết gì, trẻ con sẽ quên ngay…” vì đó có thể là khởi nguồn cho những tổn thương không đáng có trong tâm hồn non nớt sẽ theo con suốt đời.


2 views0 comments
bottom of page