Có nhất thiết phải dùng đòn roi để nên người?

Chúng mình thường “tám” với nhau về một cô em quen biết từ cộng đồng viết lách. Nó cực kỳ thông minh, tư duy tốt, sống tử tế, hòa đồng… Đặc biệt, nó tài năng vô cùng. Mỗi câu văn, từ ngữ dưới ngòi bút của nó đều chỉn chu, nuột nà và thể hiện trí tưởng tưởng không giới hạn, lôi cuốn đến khó rời được mắt. Trình ngoại ngữ cũng thượng thừa. Tóm lại, cái lũ sân si, hít drama để sống như chúng mình không thể tìm ra điểm nào để chê nó cả.
Mình có một anh bạn, chưa bao giờ thấy anh ấy nộ khí xung thiên dù là trong công việc hay cuộc sống. Con anh vốn khó nuôi, hay mè nheo khóc lóc, vậy mà anh chưa từng nổi cáu, quát nạt hay đánh đòn thằng bé. Anh đích thực là một người cha nghiêm khắc nhưng luôn ôn hòa luôn khiến người ta phải “xin vía”.
Một đứa bạn khác của mình có lần tâm sự, nó ghen tị với chính chồng nó, bởi chồng nó có một đời sống nội tâm rất bình yên, hành động và suy nghĩ luôn mang tâm thế tích cực từ sâu trong tâm khảm - thứ mà dù có cố rèn thân tâm đến mấy, nó cũng mãi mãi không bằng.
Ba con người mình kể bên trên - và còn rất nhiều người nữa mà mình quen biết - họ đều giỏi giang, thành công, có thu nhập tốt và được nhiều người tín nhiệm. Họ lan toả một năng lượng tích cực khiến người tiếp xúc cũng nhẹ nhõm theo. Họ cũng từng là những đứa trẻ nghịch ngợm, bướng bỉnh nhưng điểm chung giữa họ là được nuôi dạy bởi những người cha người mẹ ôn hòa, một nền tảng gia đình lành mạnh, bình yên. Họ có tuổi thơ vô cùng hạnh phúc.
Rõ ràng là, đâu phải ai cũng cần roi vọt để nên người đúng không?
Ngoài kia vẫn đầy người cho rằng “nếu ngày xưa không có những trận đòn, tôi làm gì được nên người như hôm nay.” Mình không phản đối ý kiến này bởi vì đó là cảm nhận của họ. Tuy nhiên, nếu định áp dụng với thế hệ sau thì có lẽ họ nên biết:
Không ít đứa trẻ vì bị đ.ánh mà mang tâm lý thù hận, hằn học với gia đình, bỏ nhà, bỏ học, dính vào tệ nạn v.v… Đòn roi không phải công cụ tốt để khiến đứa trẻ nhận ra mình có lỗi. Nỗi đau thể xác, sự ề chề về mặt tinh thần hoàn toàn có thể đẩy trẻ vào trạng thái bất mãn, gia tăng chống đối. Bạn may mắn vẫn “nên người” từ bạo lực, nhưng con bạn thì không chắc đâu.
Khi dùng đòn roi, cha mẹ đang truyền đến con những thông điệp gì?
- “Nè con, bạo lực là cách xử lý vấn đề nhanh nhất, không phải mất công, mất thời gian để động não nghĩ cách giải quyết ôn hòa làm cả!”
Trẻ không chỉ học tập hành vi mà còn học cả ý nghĩa của hành vi đó. Con sẽ áp dụng việc động chân động tay để đạt được mục đích của mình thay vì học cách dùng ngôn ngữ và thái độ như một người văn minh. Một con người hung hăng, lấy nắm đấm để nói chuyện liệu có được xã hội trọng dụng không? Và, nhiều khả năng trẻ cũng như giống cha mẹ mình, sẽ tiếp tục áp dụng bạo lực với thế hệ sau, nối dài vòng lặp của mâu thuẫn xen lẫn nước mắt. Đòn roi tiếp nối từ đời này qua đời khác không khác gì một tai nạn liên hoàn.
- Trẻ sẽ chấp nhận việc người khác xâm phạm, gây tổn thương cho mình. Bạn có từng nghe đến chuyện đứa trẻ nào đó bị đánh như cơm bữa, dần trở nên “lì đòn” không? Khi bị đánh như một thói quen, cả thể chất và tâm hồn của trẻ trở nên chai sạn, vô cảm. Sống lâu trong tâm thế nạn nhân của bạo lực khiến trẻ dễ bị áp bức và chấp nhận áp bức. Rất nhiều người - dù ở tuổi trưởng hành - đã không thể phản kháng lại mỗi khi họ bị bắt nạt, bị chèn ép. Bạn thực sự không muốn con mình trở thành người như vậy đâu.
- Đòn roi chỉ thể hiện sự bất lực của người lớn. Người ưa chuộng phương pháp roi vọt hẳn đã không thể nghĩ ra cách nuôi dạy nào khác hơn ngoài bạo lực để chấm dứt rắc rối từ con cái. Nhưng, cuộc sống này luôn có sự lựa chọn và giải pháp. Đã làm cha mẹ thì hãy động não, đừng để phí phạm trí tuệ mà tạo hoá ưu ái ban cho loài người - đặc điểm phân biệt chúng ta với loài vật rõ rệt nhất.
Thứ giúp cha mẹ và con cái có thể chung sống hoà hợp, hạnh phúc chính là sự kết nối. Kết nối phải được hình thành từ yêu thương, thấu hiểu, bao dung chứ không thể xây dựng bằng những trận đ.òn, những lời nhiếc móc. Trẻ sợ cha mẹ nên vâng lời, đơn giản là vì nó phải chấp nhận bị khuất phục trước một thế lực to lớn hơn, quyền lực hơn. Nó không có cách nào khác ngoài ngoan ngoãn phục tùng “kẻ mạnh”. Nhưng nó có sợ người lớn mãi mãi không, khi mà chính nó rồi cũng đến ngày trở thành người lớn?
Tuổi thơ có tác động rất lớn đến mỗi con người. Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu về ảnh hưởng của ấu thơ lên suốt cuộc đời từ cả trăm năm nay, tâm lý học trẻ nhỏ và giáo dục đầu đời ngày càng được quan tâm rõ rệt. Chúng ta đều biết phương Tây rất coi trọng việc hành xử với trẻ nhỏ. Bạn có từng hỏi tại sao những đất nước phát triển lại bảo vệ trẻ em đến vậy không? Câu trả lời rõ nhất nằm ở xã hội của họ. Việc coi trọng con người ngay từ khi còn là một đứa trẻ giúp tạo nên những người lớn lành mạnh, khoẻ khoắn cả về thể chất lẫn tinh thần. Những người lớn này sẽ tạo nên một xã hội an toàn. Chúng ta đều muốn con mình và chính mình được sống trong sự an toàn, có phải không?
(Ảnh: thiết kế từ Canva)