top of page

Cơn giận vô nghĩa


Kể từ khi bắt đầu bước chân lên “chuyến tàu một chiều” mang tên “Làm Cha Mẹ”, mình đã tự chuẩn bị cho bản thân một tâm thế sẵn sàng chấp nhận những điều bất ngờ nhất. Mình tham khảo rất nhiều thông tin từ mọi nguồn để có thể hình dung ra bức tranh toàn cảnh về thế giới của trẻ, cố gắng đồng hành với con cái theo cách ôn hoà nhất. Nhờ sự chuẩn bị này mà cuộc sống cũng phần nào dễ thở, không quá căng thẳng. Nhưng hỡi ôi, Covid-19 như một cú ‘twist’ kéo tất cả trật khỏi đường ray, khiến người ta loạng choạng, xây xẩm rồi thậm chí có lúc chìm dài vào cơn say mất đi lý trí.

Dịp nghỉ hè vừa rồi rơi trúng đợt xã hội giãn cách vì dịch, mình yêu cầu bé lớn mang sách toán lớp Ba ra ôn lại bài hàng ngày để nhớ kiến thức cũng như bớt thời gian rảnh rỗi xem TV, ipad. Và từ đó, một loạt tình huống khiến “tình mẹ con sứt mẻ” xảy ra.


Dưới đây là hai trong số những cách giải toán của “thiên tài toán học” này:

  1. bác N mua 1 quả đu đủ nặng 720gr, hỏi bác N mua tổng cộng bao nhiêu gr đu đủ?

=> đáp án: bác N mua: 720gr + 1 = 721gr đu đủ

2. Một đoạn dây 60cm bị cắt đi 15cm, đoạn còn lại chia thành những đoạn nhỏ bằng nhau dài 9cm. Hỏi có bao nhiêu đoạn nhỏ được chia?

=> đáp án: 60cm - 15cm - 9cm = 36cm

Khỏi phải những nói lúc ấy mình "tăng xông" nhường nào. Máu dồn lên não, miệng muốn hét ra lửa, mắt trợn lên muốn lòi con ngươi ra ngoài. Còn nó thì chỉ giương một đôi mắt và bộ mặt “tôi chẳng biết, tôi chẳng nghe, tôi chẳng thấy” nhìn mẹ. Nếu không nhanh chân bước ra khỏi phòng để tự ‘time-out’ bản thân thì có lẽ mình đã có hành động làm tổn thương con mất.


Sau khi “hạ hoả” một chút, mình tĩnh tâm dành nhiều thời gian để suy ngẫm về cơn giận cũng như mổ xẻ từng lý do cụ thể:

  • Mình lo con quên sạch kiến thức từng học, kiến thức cũ không làm nổi thì tiếp thu kiến thức mới kiểu gì đây.

  • Mình cáu vì con không chịu học nghiêm túc, con coi thường người lớn.


Nhưng sâu thẳm nhất, hoá ra cơn giận thực sự bắt nguồn từ cảm giác bất lực của bản thân. “Mình dạy con kiểu gì mà không làm được một bài toán dễ như trở bàn tay? Thật chẳng khác nào một thất bại cười nhạo vào sự tự tôn.” - Sao mà nghe to tát, nghiêm trọng thế cơ chứ!


Loay hoay với tâm trạng bức bối cả ngày trời, mình đành tâm sự xen lẫn than thở với vài người bạn, và thực tế là ai cũng cười nghiêng ngả. Bất giác chính mình cũng bật cười, rồi càng lúc càng cảm thấy buồn cười hơn. Chắc chắn con mình sau này cũng sẽ không nhịn được cười khi nhớ về đầu óc “thiên tài” thời thơ ấu của nó. Giả sử nó là một đứa học hành trơn tru, mọi sự trôi chảy, thì gia đình mình chẳng có những ký ức độc đáo như thế để kể cho nhau nghe.


Mặt khác, ngẫm nghĩ lại thì đúng là bối cảnh xảy ra sự việc ngày hôm đó có những yếu tố bất lợi: con mình đã ngồi một chỗ liên tục trong khoảng 30 phút - là quãng thời gian tương đối dài so với đứa hiếu động như nó, nó không thể tập trung lâu hơn được; nó đã bắt đầu buổi học với phần bài tập khó nhất, chiếm nhiều trí lực của nó nhất và độ phức tạp của bài khiến nó nhanh thấy nản. Vì vậy mà tất cả suy nghĩ trong con tại thời điểm ấy chỉ là: mau mau làm cho xong, mau mau thoát khỏi cảnh gò bó này. Con không muốn dành một phút suy nghĩ nào cho việc học nữa, dù bài có dễ đến đâu. Con vẫn chỉ là một đứa trẻ, thật khó kỳ vọng nó có thể dùng ý chí để tìm cách chiến thắng bản thân như người lớn được.


Thế đấy, vậy là cơn giận của mình hoàn toàn vô nghĩa, đã thế còn làm sứt mẻ tình cảm mẹ con nữa.


Đã làm cha mẹ thì dù có những đứa con dễ chịu nhất trên đời, chúng ta cũng không thể thoát khỏi những lúc cáu giận. Tuy nhiên, cơn giận cũng cần được khoác một cái áo phù hợp. Hãy giận vì một lý do chính đáng, đáng để bạn phải lo lắng chứ không phải chỉ là cơn cao trào của cảm xúc. Bạn thấy đấy, mình đã nổi đóa vì một câu chuyện mà tất cả mọi người cùng cười nghiêng ngả, lo nghĩ về những hậu quả chưa chắc đã xảy ra hoặc sẽ không xảy ra, một sự việc hoàn toàn có thể dễ dàng rút kinh nghiệm và tránh cho lần sau. Quan trọng nhất, nguyên nhân thực sự của cơn giận là ở chính mình chứ không phải ở con.


Bởi vậy, khi cảm xúc lên cao, hãy dùng chút lý trí ít ỏi còn lại để quan sát cơn giận xem nó có nên xảy ra không. Nếu may mắn, biết đâu lại có một kết quả tốt đẹp như Osho từng nói: If you observe your anger minutely, anger disappears - Nếu bạn quan sát cơn giận thật tỉ mỉ, cơn giận sẽ biến mất.


Chúng ta có lẽ không phải bậc giác ngộ như Osho, nhưng chúng ta cũng là những bậc cha mẹ hướng tới sự tỉnh thức, cáu giận chắc chắn là điều không tránh được nhưng có thể kiểm soát được khi thực tâm rèn luyện. Con đường trưởng thành của con cái cũng là một hành trình dài hơi của cha mẹ. Nếu không tỉnh táo lựa chọn cho mình những hành trang tối ưu nhất, chúng ta có thể sẽ kiệt sức ở đoạn nào đó hoặc tệ hơn là phải sải bước một cách nhọc nhằn trong suốt cả quãng đường. Bạn đâu muốn huỷ hoại hạnh phúc của bản thân và con cái phải không? Vậy thì đừng cho cơn giận cơ hội làm điều đó.

2 views0 comments
bottom of page