top of page

CHẤP NHẬN (VÀ ĐÓN NHẬN) NHỮNG KHOẢNH KHẮC CON ĐÒI MẸ



Mùa dịch và việc bọn trẻ ở nhà mang lại cho bố mẹ những nỗi niềm phát ra tiếng thét. Mỗi ngày trôi qua đều đặn cùng một tổ hợp thập cẩm gồm: niềm vui, sự kết nối, căng thẳng, ức chế, cái họng đau và tấm thân phờ phạc. Con cái chính là thế: hạnh phúc nhưng đầy thách thức. Bao nhiều bố mẹ đã phải dở khóc dở cười hỏi rằng: làm thế nào để nó cho mình nghỉ ngơi một chút, làm thế nào để nó cho mình có thời gian còn làm việc?

Mình cũng chả khác gì mọi người, cũng có những hôm mà cứ đến cuối ngày, nghe con gọi “mẹ ơi” bỗng cảm thấy cảm giác sợ hãi trào dâng bao trùm cả cơ thể. Mình không nói quá đâu, nghe thì có vẻ hơi ngoa nhưng đó chính là những gì mình từng cảm thấy, dù con mình thuộc kiểu không ăn vạ, không mè nheo, tự chơi, ý tứ, hiểu chuyện.


CÁCH NÀO ĐỂ SỐNG SÓT?


Sự thật là, chúng ta phải chấp nhận và dành sự ưu tiên nhất cho con.

Khi đã sinh con ra thì có nghĩa là bạn phải chấp nhận cuộc sống của bạn không còn là của bạn nữa, và bản thân bạn không thể là số 1 nữa. Con cái cần bạn. Và vì là người lựa chọn sinh ra chúng, bạn phải có trách nhiệm đáp ứng khi chúng cần.

Hãy buông hết những việc đang dang dở và lắng nghe xem con muốn gì, dù đó là nhu cầu hay câu chuyện nhảm nhí nhất. Bạn có thể phản biện rằng việc bạn làm rất quan trọng, không làm thì sẽ ảnh hưởng đến công việc chung hay thậm chí là “nồi cơm” của cả nhà. Mình hiểu cái khó của bạn. Nhưng dù sao bạn vẫn nên chấp nhận rằng: không có gì quan trọng hơn một đứa con cả. Sự trì hoãn trong việc lắng nghe con có thể sẽ mang lại những hậu quả tích lũy và không có lợi cho tâm lý con sau này. Bạn chọn đi?


Giải pháp tốt nhất: bạn có thể nói chuyện để con chờ mẹ 5 phút, 10 phút, 15 phút… để mẹ hoàn thành xong công việc đang dở, sau đó mẹ sẽ ra chơi với con. Hoặc mẹ sẽ chơi với con 15 phút, 20 phút… rồi mẹ quay lại công việc của mình. Thật tốt đẹp nếu em bé đồng ý và mọi sự diễn ra y như thỏa thuận. Nhưng nếu em bé không chịu chờ, hay “lật kèo” không cho mẹ quay lại làm việc sau 15 phút, thì… chẹp, vẫn cứ phải chấp nhận thôi. Mè nheo quả là khó chịu, nhưng con vẫn đòi mẹ tức là em bé vẫn đang có nhu cầu tình cảm rất lớn, việc không được thỏa mãn khiến con cảm thấy hụt hẫng. Và thêm nữa, đằng nào thì nó cũng không để bạn yên thân làm việc được đâu.


Đừng sợ rằng làm thế sẽ tạo điều kiện để con quen thói mè nheo và đòi mẹ bất chấp lí lẽ. Trẻ con không biết toan tính đến thế, chúng đòi hỏi vì đơn giản là chúng cần, vì ở độ tuổi mầm non, gia đình là điểm tựa con tin tưởng nhất. Khi con bắt đầu hình thành con người xã hội (tầm từ 6 tuổi trở lên), lúc này trẻ sẽ tách dần ra khỏi gia đình và chấm dứt những mè nheo.


Tìm một sự giúp đỡ

Hãy tận dụng hết mọi mối quan hệ mà bạn tin tưởng để nhờ vả. Đây có thể nói là thời điểm mà trí thông minh, khả năng “phản ứng nhanh” của các bố mẹ được phát huy triệt để. Ông bà nội ngoại, hàng xóm, gom nhóm những gia đình thân thiết để chia nhau trông v.v… Tất cả những gì mà bạn nghĩ ra, hãy thử. Trong tình hình cấp bách như đang phải làm một chuyện quá gấp và không có ai để nhờ, hãy “nhờ” thiết bị điện tử (tv, điện thoại, ipad…). Không lạm dụng thường xuyên là được mà.


Nhà mình thì bố sẽ cố gắng về sớm hơn bình thường để “thay ca” cho mẹ. Tuy nhiên, lượng công việc nhận về nhiều lên là lúc mình cảm thấy việc làm tối và thức khuya không thể giúp xử lý được hết, mình đã quyết định chuyển về sống gần bà ngoại sớm hơn hẳn một tháng. Khi có sự hỗ trợ, mình đã làm việc gấp ba lần bình thường và không phải chịu tình trạng mất ngủ, căng thẳng nữa.

Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng cái khó sẽ ló cái khôn nha.


Dù thế nào, bố mẹ cũng cần luôn nhớ rằng con cái là ưu tiên. Hãy bình tĩnh và chấp nhận, chuyện gì cũng đều có giải pháp, chúng ta chỉ việc đi tìm thôi.

P/s: màu nước tuy RẤT bẩn nhưng có thể mang lại sự yên tĩnh trong khoảng thời gian dài

4 views0 comments
bottom of page