top of page

DANSHARI – KHÁI NIỆM NÊN BIẾT DÀNH CHO NGƯỜI THEO LỐI SỐNG TỐI GIẢN

Mình là tín đồ của ‘chủ nghĩa’ tối giản (minimalism) nên mình đặc biệt hay đọc những đầu sách về nội dung này. Trong cuốn sách gần đây nhất có cái tên ngắn gọn là ‘Danshari’ của tác giả Hideko Yamashita mình được làm quen với khái niệm thú vị: danshiri. Danshari là tư tưởng sống tối giản bắt đầu phổ biến trong cuộc sống của người Nhật từ những năm 2010, theo thời gian đã lan rộng ra thế giới.

Tuy nhiên, trước hết mình muốn nói qua về ấn tượng của mình với tác giả. Mở đầu,tác giả tự giới thiệu về mình như sau: “Xin kính chào quý độc giả đến với cuốn sách này. Tôi là Hideko Yamashita, một tư vấn viên clutter”. Cái danh từ ‘clutter’ ngay lập tức đập vào mắt chúng ta đúng không? Chắc chắn bà cũng biết nên lập tức giải thích rằng: đây có lẽ là chức danh mình bà tự nhận trên thế giới, công việc của bà là “tư vấn giúp căn nhà và tâm trí khách hàng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp”. Quả thực là thú vị khi việc dọn nhà vốn dĩ được coi là chuyện bình thường trong cuộc sống lại cần đến những chuyên gia. Thế thì phải đọc tiếp xem những điều chuyên gia chia sẻ như thế nào.

Khái niệm danshari

Dan: đoạn = đoạn tuyệt đồ dùng không cần thiết

Sha: xả = vứt bỏ đồ dùng gây lộn xộn

Ri: ly = khẳng định cái tôi, thoát khỏi mối ràng buộc với đồ vật.

Chỉ 03 từ ngắn gọn thế thôi mà mang theo cả một hành trình chuyển đổi bản thân và không gian sống thực sự bài bản, đòi hỏi sự tâm huyết, sự nghiêm chỉnh, sự quyết tâm cao độ và hơn hết là sự thấu hiểu về nghệ thuật sống.

Nội dung

Trước tiên, bà Yamashita giải thích cặn kẽ cơ chế danshari.

Tiếp theo (phần này hay nhất nè), bà trả lời cho câu hỏi “Tại sao chúng ta không thể dọn dẹp gọn gàng?” bằng việc đưa ra những nguyên nhân của sự lộn xộn. Mình tâm đắc nhất là việc bà gọi tên ‘Ba kiểu người không thể vứt bỏ đồ đạc’ (ối giời ơi, phần nào cũng thấy bóng dáng của mình hết ý). Sau đó, Yamashita lý giải tác hại từ những chồng đồ đạc chất đống; đưa ra cái nhìn mang tính triết học và tâm lý học về mối quan hệ giữa đồ vật và con người; giải thích ý nghĩa thực sự của ngôi nhà… Đảm bảo đọc xong khối người sẽ vỡ lẽ về chính mình, và có thể tâm lý của bạn về việc sở hữu đồ đạc còn được “cởi trói” nữa.

Sau khi làm rõ về nguyên nhân, ý nghĩa của việc dọn dẹp, tác giả đi vào hướng dẫn chấn chỉnh tư duy theo danshari, rồi bắt đầu hành động dọn dẹp theo danshari, và phần cuối là kết quả bạn sẽ nhận được sau khi hoàn tất quá trình: nâng cao vị thế của bản thân trước đồ đạc, cảm giác thư thái, tâm hồn thoải mái.

Một chi tiết nữa mình cũng rất tâm đắc, đó là bà Yamashita nói rằng: danshari không có nghĩa là phải sống thanh bần, khổ cực. Bạn vẫn có thể tùy ý hưởng thụ bằng cách tiêu pha như bạn muốn, chỉ là hãy áp dụng lối tư duy tối giản để cân nhắc về nhu cầu thực sự của chính mình trước đồ vật mà thôi.

Nói chung cuốn sách khá dễ hiểu và dễ đọc. Nhưng với cá nhân mình thì lại hơi tốn thời gian (dù sách tương đối mỏng) vì mình hay đọc đi đọc lại nhiều đoạn để thấm hơn. Trong gần 03 năm thực hành tối giản, mọi chuyện chưa bao giờ dễ dàng. Có những món đồ mình phải cân nhắc đến vài lần trước khi quyết định loại bỏ. Mình cũng không ép bản thân khi chưa sẵn sàng. Thành thật mà nói, tối giản tâm trí bằng việc không nghĩ nhiều, không gây áp lực lên tâm hồn bằng cảm giác áy náy, băn khoăn… cũng điều mình coi trọng.

12 views0 comments
bottom of page