Hãy trân trọng những “bàn tay đưa nôi”
“Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị cả thế giới” - William Ross Wallace

Mình có cô bạn thân ở xa nên lâu ngày mới có dịp gặp gỡ để thoải mái “tám” về chủ đề sinh con, đời sống gia đình khi ở chung ở riêng, rồi trầm cảm sau sinh. Mình đã dành hàng tiếng đồng hồ nghe cô ấy trải lòng về những ấm ức, khó khăn, và cả cảm giác cô độc trong thời kỳ mà cô ấy gọi là “hố đen” của cuộc đời. Mình lặng người vì xót xa cho bạn. Quả thực, làm mẹ là hạnh phúc nhưng cũng là thách thức với mọi phụ nữ trên thế giới này. Mỗi người đều mang một câu chuyện riêng chứa nhiều cảm xúc thật khó tả.
Mình có thai kỳ suôn sẻ và cuộc sống sau sinh khá thư thái. Mình không biết đến “ở cữ, kiêng cữ” nên hầu như không áp lực hay khó chịu gì. Sinh buổi sáng thì chiều tắm gội bình thường (có một chị y tá đứng bên ngoài để trợ giúp nếu cần); ăn cá, tôm ngay bữa đầu tiên (theo thực đơn bệnh viện). Mình không mặc quần áo dài tay, không đi tất, không bịt tai. Mình ăn cơm trên phòng riêng được ba bữa thì xuống nhà ăn cùng mọi người, cười nói chém gió rôm rả. Mình cũng đi chơi ầm ầm, mười ngày đã bỏ con vào giỏ xách lên Pullman ăn buffet. Việc nấu cơm và giặt giũ có bà ngoại hỗ trợ hết, con mình ngoan ngoãn, đáng yêu. Chồng mình tuy mải chơi một chút nhưng khoản yêu chiều vợ con thì phải nói là đứng hàng top. Tóm lại, mình không hề gặp bất cứ áp lực hay muộn phiền nào gây ra căng thẳng, lấy gì mà trầm cảm được.
Ấy thế mà, sang đến tuần thứ ba, bỗng dưng mình cứ ngồi chết trân nhìn con bé rồi khóc ngon lành, hoảng loạn với đủ câu hỏi và kịch bản lâm li trong đầu:
Con bé bỏng thế này, làm thế nào bảo vệ nó trước cuộc sống bao điều đáng sợ này đây?
Ra đường nó bị bắt nạt thì sao?
Lớn lên nó bị thất tình, bị phản bội như mình ngày xưa thì sao?
Thế nhỡ vợ chồng mình bỏ nhau, nó sẽ phải đau khổ, phải tủi thân, chênh vênh như chính mình đã từng trải qua thì sao?
Thậm chí mình còn nghĩ ra những tình huống bi kịch kinh khủng nhất mà giờ nghĩ lại còn chả dám viết ra. Cứ nhìn thấy con là mình khóc, khóc không dừng được. Dường như lúc ấy, tất cả những tổn thương trong quá khứ ùa về, nổi loạn và xâm chiếm lấy mình. Kể cả những vết sẹo có vẻ như đã lành cũng trở nên sưng tấy và nhức nhối. Tệ hơn cả, ngày ấy mình không biết chia sẻ với ai và chia sẻ như thế nào. Bản thân mình còn cảm thấy thật dở hơi khi đã bi kịch hóa cuộc sống vốn đang tốt đẹp thì mặt mũi nào thổ lộ với người khác. Khoảng một tháng sau mình thấy bình thường trở lại, nhưng quãng thời gian đó vẫn ám ảnh đến tận bây giờ. Mãi sau này, khi đọc nhiều hơn về tâm lý bà mẹ và trẻ em, mình mới hiểu rằng câu chuyện trầm cảm sau sinh không thể coi thường. Nghiêm trọng hơn cả, trầm cảm sau sinh có thể còn gây ra những kết cục đau lòng.
Ngày còn nhỏ mình có nghe chuyện một cô người quen sinh con xong không hề bế ẵm thằng bé, cô xa lánh con dù nó rất đáng yêu. Vài tháng sau, cô nghĩ quẩn và làm điều dại dột kết thúc cuộc sống. Cái kết buồn không xảy ra với số đông, nhưng không phải vì thế mà chúng ta xem nhẹ việc hỗ trợ những người mẹ. Mọi bà mẹ đều cần sự giúp đỡ. Trầm cảm sau sinh là thứ không ai điều khiển được, cũng không phải cứ cẩn thận phòng tránh thì nó sẽ không đến. Nó chả có quy luật gì và cũng không cần logic. Không ai có thể tự tin rằng mình chắc chắn sẽ không trầm cảm. Bạn thấy đấy, nó vẫn ghé thăm cuộc sống sau sinh màu hồng của mình một cách thản nhiên nhất đó thôi.
Bởi vậy, mình thực sự thấy phản cảm khi nghe những câu nói thiếu lòng trắc ẩn trầm trọng kiểu:
Trầm cảm giờ là trend à!
Làm như mình mình sinh con vậy!
Ngày xưa các bà đẻ sòn sòn thì trầm cảm cả đời chắc!
Khi ai đó phát ngôn ra những câu này, họ không những vô duyên, vô cảm mà còn độc ác. Nếu không trải qua những điều người khác đã trải qua thì làm ơn đừng phán xét. Con mắt chủ quan và cái đầu hạn hẹp sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy hết muôn màu muôn vẻ của cuộc sống này, càng không bao giờ nhìn ra được những góc khuất. Phán xét khiến người ta chẳng khác gì lão thầy bói mù xem voi rồi khăng khăng khẳng định cái mình thấy là đúng. Phán xét người mẹ lại là điều càng khó chấp nhận. Làm tổn thương một người mẹ, tức là bạn đã làm đau tận 2 trái tim. Nên nhớ, nếu người mẹ không hạnh phúc, chúng ta không thể có được những đứa trẻ hạnh phúc.
Đừng chỉ tập trung vào nâng niu mỗi đứa trẻ mà quên mất người phụ nữ đã mang nặng đẻ đau ra chúng. Mẹ là thiên thần hộ mệnh, là vệ sỹ, là suối nguồn hạnh phúc của con. Hãy dành cho người mẹ sự tôn trọng, che chở và bảo vệ nhiều nhất.