top of page

HỌC LÀ QUYỀN LỢI, KHÔNG PHẢI NGHĨA VỤ




Cái ngày mà thế giới vẫn còn yên ổn vì vi vít chưa ‘ú òa’, homestay nhà mình rộng cửa đón khách nước ngoài từ khắp nơi. Một trong số đó là bác Jeremy đến từ Australia. Bác sinh năm 196x nhưng đến HN để theo nốt khóa học liên kết tại RMIT. Việc một người ở độ tuổi U60 vẫn đi học trong vai trò là sinh viên chắc chắn không phải phổ biến ở Việt Nam, nhưng nhìn phong thái của bác, cách bác nói chuyện thì có thể thấy bác coi đây là việc hoàn toàn bình thường, (còn kể là vợ bác cũng thế).

Mình là một người tại một thời điểm nào đấy thường đang học một cái gì đấy. Có thể là tự học một kỹ năng mới, cũng có khi là cắp sách vở đến cơ sở dạy dỗ hẳn hoi, hoặc là những khóa học online (có chứng chỉ và không chứng chỉ). Mình cũng coi chuyện đi học là bình thường bất kể ở tuổi nào. Nhưng khác với bác Jeremy, mình thường xuyên được nghe câu nói: đầu hai thứ tóc rồi còn đi học rồi làm bài tập mới sợ chứ!

Mình – với cái đầu của kẻ sống rất “sách vở” – lại ngồi ngẫm nghĩ tại sao nhiều người có thái độ lạ lẫm với chuyện “già rồi còn đi học” như thế.

1. Khả năng thứ nhất, nền giáo dục đã cho người ta ấn tượng thụ động trong việc học. Nghĩ lại cũng đúng. Hồi bé, mình sợ và ngại đi học. Mỗi ngày đến trường, ngồi nghiêm chỉnh tại bàn, nhìn lên bảng và tai lùng bùng những thông tin đang được thầy cô giáo nỗ lực nhồi nhét vào đầu khiến mình cảm thấy thời gian là một chuỗi những năm tháng lê thê, nhạt nhẽo. Các bạn biết hồi xưa mình được dạy văn kiểu gì không? Là phải hiểu tác phẩm theo đúng một hướng, Hoàng là xấu – Độ là tốt, không được khác. Là chép những bài văn mẫu dài hàng km rồi về đọc đi đọc lại, lúc đi thi cứ thế mà nhớ lại rồi viết. Ngày ấy, mình đã không hề biết là mình yêu văn chương, chữ nghĩa đến thế. Mình cũng ko hề thấy “Thương nhớ mười hai” giàu cảm xúc đến thế.Việc học thực sự là nghĩa vụ, là điều bắt buộc đứa trẻ nào cũng phải hoàn thành. Dù bản thân cũng biết “học là tốt”, nhưng tốt như thế nào thì mất 10 năm sau mới vỡ lẽ.

2. Trong quan niệm của nhiều người, học là để phục vụ việc đi làm, kiếm sống. Do đó mà hết các cấp học thì việc học sẽ chấm dứt và chuyển sang giai đoạn đi làm. Mình thấy điều này cũng không sai, nhưng chưa đủ. Ngoài việc phục vụ cho cuộc sống và là tiền đề phát triển tương lai, học còn là để phục vụ chính đam mê, sở thích của bản thân nữa. Không phải mọi thứ mình học đều để kiếm tiền, và cũng không phải khát vọng nào cũng liên quan đến tiền tài hay địa vị. Cá nhân mình học đơn giản vì mình thích. Sử dụng tâm trí vào việc tiếp thu một thứ gì đó khiến mình cảm thấy bớt stress, quan trọng là bớt bị chi phối bởi những tiêu cực không mong muốn.

3. Không biết các bạn thấy sao, nhưng mình nhận ra rằng người châu Á bị giới hạn trong định kiến về tuổi tác hơn so với phương Tây rất nhiều. Ví dụ như việc có những người đến 30 tuổi mới nhận ra khả năng đặc biệt của mình, hoặc điều mình thực sự đam mê, nhưng lại không dám từ bỏ guồng quay ổn định hàng ngày để học một thứ khác vì đam mê đó. Họ sợ tuổi tác không phù hợp, sợ khởi đầu mới ở cái tuổi vốn định kiến là đã phải ổn định rồi.Mặc dù mình chưa bao giờ bị tác động vì bình luận của người khác, nhưng phải thú thật là mình ít nhiều cảm thấy lạc lõng. Thật may, cuối cùng mình cũng tìm ra cộng đồng thất lạc kể từ khi tham gia khóa học viết với Ms Linh Phan Mình gặp được đội ngũ đông đảo những con người không ngừng học, không ngại từ bỏ cái kén an toàn để theo đuổi thứ họ thực sự yêu thích, và nhiệt tình động viên nhau bằng những quan điểm rất thực, không hề lý thuyết sáo rỗng.

Cảm ơn vũ trụ thật nhiều


1 view0 comments
bottom of page