"Học Mont" có gì khác?
Updated: Oct 5, 2022

Nếu mình không nhớ nhầm thì khoảng những năm 2010, phương pháp giáo dục Montessori bắt đầu trở nên phổ biến tại Việt Nam. Tuy được biết đến rộng rãi là vậy nhưng có vẻ vẫn còn nhiều hiểu lầm xung quanh phương pháp giáo dục này. Với vai trò là người mẹ có con học trường Montessori từ khi bé 1 tuổi và bản thân mình từng có thời gian công tác trong trường học, mình xin điểm qua một số đặc điểm nhận diện cơ bản của giáo dục Montessori như sau.
1. Lớp học trộn tuổi Đặc trưng dễ thấy nhất ở lớp học Montessori là cơ cấu trộn tuổi (thường là 8 bé 3 - 4 tuổi, 8 bé 4 - 5 tuổi và 8 bé 5 - 6 tuổi. Tuỳ diện tích lớp học mà số học sinh sẽ dao động trong khoảng 21 - 25 bé). Số lượng nam - nữ trong từng nhóm cũng được sắp xếp cân bằng nhất trong khả năng.
Mục đích trộn tuổi là để phục vụ cho sự phát triển gắn kết theo chiều dọc (vertical bonding). Nôm na là:
- Khi mình 3 tuổi, mình bé nhất nên mình sẽ được các anh chị giúp đỡ, dạy bảo, nhường nhịn. - Khi mình 4 tuổi, mình vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các anh chị lớn, nhưng đồng thời mình đã học được cách chăm sóc các em bé nhỏ hơn. - Khi mình 5 tuổi, mình giữ vai trò lớn nhất lớp, mình đảm nhận nhiệm vụ nâng đỡ và dẫn dắt các em bé hơn.
Hình thái lớp học trộn tuổi giúp cho trẻ lĩnh hội khái niệm về trách nhiệm của mình trong cộng đồng một cách tự nhiên nhất. Trẻ học được cách yêu thương, chia sẻ, tương tác hài hoà với người khác; đồng thời cũng giải quyết một số nhu cầu mang tính bản năng của trẻ. Ví dụ: nếu thích hình ảnh bản thân trở nên nổi bật, trẻ sẽ được thể hiện qua những hành động đóng góp cho tập thể (dọn dẹp lớp học, xếp bàn ghế, dạy em bé học…). Những hành vi tốt được cô giáo và bạn bè ghi nhận bằng lời cảm ơn chân thành sẽ giúp trẻ thoả mãn được nhu cầu, tự tin hơn, hạnh phúc hơn. Và cũng nhờ sự thể hiện bản thân tích cực này, các giá trị bề nổi phù phiếm cũng sẽ được hạn chế.
2. Môi trường được chuẩn bị Maria Montessori đã dành cả cuộc đời để quan sát hàng nghìn đứa trẻ và nhận ra rằng: trẻ em cần một môi trường được chuẩn bị “mà ở đó chúng ta càng ít làm trẻ kiệt sức vì sự giám sát và chỉ dẫn càng tốt.”
Những đồ vật trong lớp học như bàn ghế, giá kệ v.v… đều được thiết kế vừa với kích cỡ của trẻ. Trẻ có thể chủ động sắp xếp các vật dụng phục vụ sinh hoạt ngay khi chúng cần. Đó sẽ là một môi trường mà trẻ được hoàn toàn làm chủ. Cảm giác tự tin sử dụng không gian của mình giúp các em bé thoải mái, vui vẻ và hạn chế sự quấy nhiễu.
Mặt khác, bà Montessori nhận thấy rằng bên trong đứa trẻ có một sự thôi thúc hoạt động mãnh liệt. Trẻ luôn cần phải làm một việc gì đó bằng đôi tay và bộ não. Đây là sự thôi thúc bản năng giúp trẻ rèn luyện cử động tay thành thạo, đồng thời bộ não tích luỹ mọi ấn tượng phản ứng từ môi trường, rút ra các bài học, phát triển tư duy và trí tuệ. Nếu môi trường bên ngoài cung cấp mọi vật dụng thích ứng với nhu cầu lao động mạnh mẽ bên trong, trẻ sẽ có cơ hội phát huy hết mọi tiềm năng của mình.
Điểm đặc biệt mà ta có thể thấy là trên các giá kệ của lớp học Montessori không thiếu các đồ dùng bằng chất liệu dễ vỡ như: gốm, sứ, thuỷ tinh. Lý do:
Thứ nhất, các chất liệu này có tính thẩm mỹ cao. Thứ hai, theo quan điểm của Maria Montessori, trẻ học được rằng “nếu để rơi, chúng sẽ vỡ và mãi mãi mất đi. Sự phiền muộn trẻ cảm nhận được là hình phạt tồi tệ nhất.” Bài học quý giá từ sự đổ vỡ là thứ vô cùng giá trị giúp trẻ rút ra kinh nghiệm phải cẩn thận với đồ vật.
3. Quan sát Điều ấn tượng nhất trong khoá học Montessori 3-6 mình từng tham gia là câu nói: nếu có thể tóm tắt phương pháp Montessori một cách ngắn gọn nhất, thì đó chínhà “quan sát”. Các cô giáo trong lớp được ví như có thêm đôi mắt sau gáy.
Người giáo viên sẽ quan sát thật kỹ từng em bé để ghi nhận đặc trưng nhất của từng trẻ, từ đó, một lộ trình học tập sẽ được phác thảo cho từng cá nhân, không đánh đồng một chương trình cho tất cả.
4. Tại sao học phí trường Montessori lại đắt hơn mặt bằng chung? Lý do lớn nhất là chi phí đào tạo giáo viên rất cao. Giáo viên đứng lớp - ít nhất là giáo viên chịu trách nhiệm chính - phải là người có (các) chứng chỉ Montessori quốc tế tương ứng với độ tuổi lớp học. Các cô vừa phải lĩnh hội toàn diện triết lý giáo dục, vừa phải học kiến thức & kỹ năng giảng dạy (toán, giác quan, ngôn ngữ, thực hành cuộc sống, v.v…) chuẩn, và phải tự rèn luyện cách tương tác hiệu quả với trẻ. Đối với các cô mới vào nghề thì điều này sẽ dễ dàng hơn, nhưng với các cô giáo từng theo phương pháp dạy truyền thống thì đây có thể không khác gì việc thay đổi cả hệ tư duy đã lập trình trong nhiều năm.
Lý do tiếp theo là chi phí mua giáo cụ trong lớp học cũng chiếm một khoản lớn. Trong Montessori, mọi giáo cụ đặc thù cần chuẩn xác 100%. Bởi vậy, khi có sự thất lạc hoặc hỏng hóc chỉ một bộ phận, nhà trường sẽ buộc phải thay mới cả bộ.
Khi tìm hiểu sâu hơn về Montessori, bạn sẽ thấy mọi thứ đều dựa trên hành trình phát triển và cuộc sống của chính đứa trẻ chứ không phải cái gì cao siêu, “thần thánh” hết. Cá nhân mình thấy đây là phương pháp rất thực tế và dễ áp dụng trong cả gia đình và nhà trường. Dù trẻ không theo học các trường Montessori, cha mẹ vẫn có thể cùng con thực hành tại nhà.
(Ảnh: thiết kế từ Canva)