top of page

Hiểu đúng về "bắt nạt"

Updated: Jun 29, 2022


Mình từng nghe những câu than vãn của bạn bè như thế này:

“Con em là chuyên gia bắt nạt bạn bè.”

“Nó chỉ giỏi bắt nạt bạn thôi, hơi tí là giơ nắm đấm ra.”

Đúng là trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều cha mẹ đã/đang phải đau đầu vì con mình thường xuyên có hành vi đánh bạn, và chúng ta gọi đó là bắt nạt. Tuy nhiên, bắt nạt thực chất không đơn giản như thế, nó là một vấn nạn cực kỳ nghiêm trọng khiến các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục trên khắp thế giới phải nỗ lực không ngừng để giải quyết. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, mình sẽ chia sẻ vài thông tin giúp các cha mẹ hiểu sâu hơn nhằm phân biệt bắt nạt với hành vi hung hăng thông thường ở trẻ.


BẮT NẠT LÀ GÌ?

Trước khi kết luận con mình có phải một ‘kẻ bắt nạt’ hay không, các cha mẹ phải hiểu bắt nạt là gì.

Năm 2014, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và Bộ Giáo dục Mỹ đã đưa ra định nghĩa đầu tiên có tính chất liên bang về bắt nạt như sau:

Những động thái được cho là bắt nạt khi hội tụ đủ 3 yếu tố cốt lõi:

(1) Hành vi hung hăng không được chấp nhận:

Là những hành vi làm tổn thương nạn nhân về thể xác hoặc tinh thần.

(2) Có sự khác biệt về vị thế giữa những đứa trẻ

‘Vị thế’ (power) ở đây có thể là:

+ sự chênh lệch về thể trạng/thể chất: bạn này to lớn hơn, khỏe mạnh hơn, có vóc dáng “áp đảo” nạn nhân; hoặc

+ chênh lệch về tầm ảnh hưởng: gia cảnh, danh tiếng trong lớp/trường/cộng đồng sinh hoạt (câu lạc bộ, hội nhóm…)

(3) Lặp đi lặp lại các hành vi bắt nạt (đánh, xô đẩy, đe dọa…)

Các hành động gây hấn, làm tổn thương một nạn nhân cụ thể lặp lại nhiều lần, hoặc có khả năng lặp lại trong tương lai.


NHỮNG KIỂU HÀNH VI BẮT NẠT

Bắt nạt có thể tồn tại dưới nhiều hình thức:

- Về mặt thể chất: đánh, đấm, xô đẩy.

- Về mặt tinh thần và cảm xúc: nói xấu, bịa đặt, cố tình lan truyền một thông tin xấu về đối tượng bị bắt nạt, tẩy chay.

- Thông qua lời nói: dọa nạt, đe nẹt, trêu chọc, lăng mạ, sỉ nhục.

- Hình thức khác: ép người khác làm việc họ không muốn, hủy hoại đồ đạc của người khác.

Thông thường, các bé trai có xu hướng thực hiện bắt nạt qua hành động gây gổ, va chạm về mặt thể chất và lời nói. Người lớn có thể dễ nhận ra những hành vi này và can thiệp lập tức.

Trong khi đó, phần lớn bé gái lại có cách bắt nạt tinh vi và kín đáo hơn qua việc gây ảnh hưởng về mặt tinh thần, gây áp lực lên đối tượng bị bắt nạt. Ví dụ: thao túng các mối quan hệ, kêu gọi tẩy chay, tung tin đồn, nói xấu…

Những hành vi bắt nạt ở mức nghiêm trọng như quấy rối, đe dọa, hành hung còn có thể bị xem như phạm tội và bị khởi tố trước pháp luật.


Ở ĐỘ TUỔI NÀO THÌ TRẺ BẮT ĐẦU CÓ HÀNH VI BẮT NẠT?

Trẻ thường thực hiện hành vi bắt nạt đúng nghĩa ở vào độ tuổi 7 hoặc 8 – là thời điểm trẻ bắt đầu nhận thức được ý nghĩa về vị thế xã hội rõ rệt hơn so với lứa tuổi trước.

Bước sang tiểu học, trẻ dần tự lập hơn, người lớn không còn liên tục ở bên cạnh theo dõi nhất cử nhất động của trẻ nữa. Trẻ sẽ tăng cường giao tiếp và chịu ảnh hưởng từ nhau. Lúc này, trường học là nơi các con bắt đầu xây dựng con người xã hội qua những trải nghiệm có tính cộng động. Từ đó, trẻ dần nhận ra mình có khả năng gây tác động lên các mối quan hệ xung quanh bằng hành vi, và cảm thấy bản thân có “quyền uy” hơn.

Đồng thời, trẻ cũng có thể thỏa mãn với việc chúng được hưởng lợi về mặt vật chất từ bắt nạt, ví dụ: chiếm được tài sản, đồ dùng của nạn nhân; buộc nạn nhân phải làm việc gì đó thay mình v.v…

Nếu không được can thiệp và giúp đỡ, trẻ sẽ duy trì việc bắt nạt lâu dài, không xác định được điểm dừng. Trẻ bắt nạt cũng sẽ mang theo những hậu quả về mặt tâm lý nghiêm trọng không khác gì nạn nhân.


LỜI KẾT

Hy vọng chút thông tin bên trên có thể giúp cha mẹ hiểu chính xác hơn về bắt nạt.

Các cha mẹ không nên quá lo lắng khi con mình có những biểu hiện hung hăng ở độ tuổi sơ sinh và tập đi. Hãy lắng nghe, thấu hiểu và khéo léo giúp con trang bị kỹ năng kiểm soát cảm xúc cũng như khích lệ hành vi đúng, điều này sẽ hỗ trợ em bé rất nhiều trong quá trình hình thành nhân cách. Em bé có nhân cách tốt ít có khả năng trở thành kẻ bắt nạt trong tương lai.

12 views1 comment

Recent Posts

See All
bottom of page