top of page

Hiểu về lời chào

“Đi đến nơi nào lời chào đi trước.

Lời chào gánh bước con đường bớt xa…”


Bài hát quen thuộc gắn liền với tuổi thơ là thế nhưng chưa bao giờ mình thực sự quan tâm đến ý nghĩa sau những ca từ đẹp ấy, cho đến thời điểm bắt đầu dạy con cái về phép lịch sự.


Lời chào là một phần của thói quen và hành vi tốt, cần được thực hiện trong mọi hoàn cảnh một cách tự giác, độc lập mà không cần người lớn thúc giục hay can thiệp. Bằng việc thực hành việc chào hỏi thường xuyên, chúng ta sẽ duy trì cách cư xử tốt trong suốt cuộc đời.


Người lớn thường nhắc nhở con trẻ khi gặp người khác thì phải chào, nhưng các cha mẹ sẽ trả lời thế nào nếu con hỏi: “Tại sao mình phải chào hả bố/mẹ?” Lúc này, bạn cần giải thích một cách chân thành và trung thực nhất để con hiểu về lời chào.

Trước hết, lời chào là biểu hiện đầu tiên của phép lịch sự trong đối thoại. Ở mọi đất nước, mọi tầng lớp xã hội, bất chấp sự khác biệt giữa các nền văn hóa, lời chào đều tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Bởi vậy, khi đã là một thành viên trong cộng đồng, con cần phải thực hiện bài học chào hỏi này suốt cả cuộc đời.


Lời chào là ấn tượng tốt đẹp đầu tiên mà con dành cho người khác. Họ sẽ biết rằng mình đang tiếp xúc với một con người lịch sự, thân thiện và thiện chí trong cuộc đối thoại này. Bản thân con khi tiếp cận đối phương bằng lời chào và một nụ cười, con cũng đã cho chính mình cơ hội để cởi mở, sẵn sàng đón nhận họ. Câu “xin chào” vì thế được coi là cách hiệu quả nhất để mở màn một cuộc trò chuyện tích cực. Nó sẽ giúp con làm quen với những người bạn mới khi bước vào môi trường mới, hoặc ở công viên, khu vui chơi công cộng v.v… Các mối quan hệ tích cực trong tương lai của con sẽ được mở rộng hơn bắt đầu từ thói quen cư xử tốt này.


Trong cuộc sống, đôi lúc con sẽ cần giao tiếp để giải quyết vấn đề khó khăn của mình. Đó có thể sẽ là một cuộc đối thoại căng thẳng. Một lời chào kèm nụ cười và cái bắt tay chân thành sẽ giúp cả con lẫn đối phương xua bớt đám mây mù định kiến để hướng đến kết quả tốt đẹp. Mục đích của con vì thế mà cũng dễ đạt được hơn. Tương tự, nếu con trót rơi vào vòng xoáy mâu thuẫn – điều chắc chắn không thể tránh khỏi trong cuộc đời – lời chào là giải pháp hữu hiệu để bước đầu hóa giải hiềm khích và kết nối lại với nhau.


Lời chào cũng chứng tỏ con là một người tử tế và biết quan tâm đến đồng loại. Chào hỏi dưới hình thức hỏi thăm như “Bác có khỏe không?”, “Dạo này cậu ổn không?” không những cho phép con kết nối với người khác mà còn khiến cho họ cảm thấy ấm áp, tin tưởng và được yêu thương. Con có thể là chỗ dựa cho người đó, hoặc giúp họ giải quyết vấn đề của mình. Làm việc tốt là một trong những cách để con sống hạnh phúc.


Phản ứng thế nào khi chào nhưng không được đáp lại?

Cho đến hiện tại, con mình từng có hai lần bối rối với lời chào.


Lần thứ nhất, bé kể rằng: “Mẹ ơi, con chào bác A. nhưng bác không chào lại. Con tưởng bác không nghe thấy nên chào to hơn mà bác vẫn không nói gì dù rõ ràng là bác nhìn thấy con. Lần tới con không chào bác nữa đâu.”


Mình đã ôm con và nói:


- Chắc con cảm thấy bức xúc lắm phải không? Con đã rất lễ phép mà bác lại không đáp lại mà. Con biết không, khi con chào, con đã thể hiện mình là em bé lịch sự, thân thiện và đáng yêu biết bao. Bất kỳ ai nghe thấy lời chào của con cũng đều dễ có ấn tượng tốt về con, và bản thân con cũng cảm thấy yêu quý chính mình nữa. Việc bác không đáp lại con là cách hành xử của cá nhân bác thôi. Vậy nên con không cần vì thế mà bỏ đi thói quen cư xử tốt của mình.


Lần thứ hai, bé kể trong tâm trạng cũng rất đỗi băn khoăn rằng: “Lúc con chào cô B. thì cô nói với con là con không phải chào cô ấy đâu, bởi vì bình thường cô ấy cũng chẳng chào con mà. Thế làm sao bây giờ hả mẹ?”


Cô B. vốn là người bạn trẻ tuổi cá tính của mình, kiểu người như B. đôi khi có những quan điểm riêng rất mạnh mẽ. Lúc này mình ngồi xuống rồi chia sẻ với con rằng:


- Cũng tương tự như bác A. lần trước, cô B. có phong cách cư xử riêng. Đó là lựa chọn của cô ấy và trường hợp này con cũng được lựa chọn cách phản ứng lại như thế nào. Con hãy nghĩ xem mình muốn tiếp tục giữ thói quen lịch sự như một nguyên tắc của bản thân, hay con sẽ không chào cô như cô nói, và coi đây là giao kèo của riêng mối quan hệ này nhé.


Con gật đầu rồi không nói gì nữa. Sau đó mình thấy con vẫn vui vẻ chào bác A. và cô B. mỗi khi gặp mặt, đến bây giờ vẫn như vậy, bất chấp họ có đáp lại con hay không.


Suốt cả quá trình đồng hành bên con, mình chưa từng ép nó phải chào cũng như phải thực hiện hành động lễ phép nào một khi nó không muốn. Mình chỉ khích lệ, động viên và trao cho con quyền được lựa chọn. Có lúc con mình nhất định không chịu chào hỏi vì nhiều lý do: con mệt, con đói, con đang có tâm trạng không tốt v.v… Dù cảm thấy bực lắm mình cũng phải dặn lòng chấp nhận và kiên nhẫn. Xét cho cùng, con vẫn chỉ là một đứa trẻ. Nó cần thời gian cũng như trải nghiệm để lớn lên. Mặt khác, trau dồi thói quen tốt không phải việc dễ dàng ngày một ngày hai mà thành. Khi thực sự thấu hiểu và cảm nhận được lợi ích của lời chào, con sẽ tự nguyện thực hiện thôi.


Ảnh: Canva

3 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page