KHÔNG AI ĐÁNG BỊ LÀM NGÁO ỘP CỦA NGƯỜI KHÁC

Chiều nay mình vào siêu thị mua đồ. Một em bé tầm 1-2 tuổi đang lẫm chẫm đi quanh các giá kệ và tò mò chạm tay vào mọi thứ. Bà em chạy theo ngăn cản, rồi quay ra nháy ông bảo vệ “ông dọa nó một câu đi ông“. Mình xém tí nữa thì sặc vì buồn cười. Lúc ấy chỉ chợt nghĩ, bà bảo người khác dọa cháu, nhưng giả sử tình huống khác, cháu bị người ta nạt cho khiếp vía thì bà có nhảy ra “khô máu” với họ không. Đây chẳng phải lần đầu mình gặp chuyện kiểu này. Hồi trước có thằng cu em càu nhàu kể là:“Em đang đứng đấy thì có bà cứ bảo con:”Nào nào, chú đánh bây giờ”, lại còn nói đi nói lại, em điên thế chứ, chả nhẽ lại mắng cho một trận”. Haizzz, việc này chả hay ho gì đâu, mình nói thật.
Về phía đứa trẻ: không bao giờ nên dọa nạt trẻ con cả. Trong môi trường vốn dĩ an toàn, nhưng trẻ lại thấy có một nhân vật có tầm vóc lớn hơn, đe dọa mình, khiến mình hoảng sợ; lại còn được nghe cảnh báo từ chính người thân (bà, mẹ) của mình thì càng đáng tin. Trẻ con sẽ dần có ấn tượng rằng thế giới bên ngoài thật đáng sợ. Điều này là phản giáo dục. Bởi vì trong khi xã hội đang nỗ lực xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em, thì một vài người lại khiến chúng thấy thế giới này sao mà lại nguy hiểm như thế.
Về phía người bị gán mác “ngáo ộp”: họ làm gì nên tội mà bỗng dưng bị đóng vai ác nhỉ? Cho dù chỉ là giả vờ, nhưng việc này là vô duyên. Một người bình thường tất nhiên tâm tính sẽ hướng thiện, vậy mà tự dưng họ lại “mang tiếng xấu” – cho dù với một đứa trẻ còn chưa có ý thức – thì cũng là cảm giác không thể vui vẻ gì. Thậm chí, trong quan điểm của nhiều người, họ còn coi trọng ấn tượng của mình trong mắt trẻ con nhiều hơn với người lớn.
Những nhân vật vô tội thường bị đem ra dọa dẫm Tuổi thơ của các thế hệ đã chứng kiến rất nhiều “ác nhân” trong truyền thuyết. Điển hình là: – Công an: chú công an đứng đầu trong danh sách với tần suất bị mang ra hù dọa phổ biến nhất. Có lẽ là vì trẻ con thấy các chú hàng ngày khi tham gia giao thông. Chú công an tất nhiên thuộc phe chính nghĩa vì công việc của chú là bắt tội phạm. Nhưng cũng vì chú chính nghĩa, nên chú cũng là khắc tinh của những việc “không đúng” kiểu như: không ăn cơm, không học bài, không nghe lời ông bà bố mẹ… Chú mà bắt vào tù thì đừng hòng mong có tivi để xem như ở nhà. – Bác sĩ, y tá: đây cũng là những nhân vật có quyền năng đáng sợ với vũ khí là kim tiêm. Trẻ con thường gặp bác sĩ, y tá trong hoàn cảnh không mấy vui, đó là bị ốm. Đã khó ở trong người thì chớ, lại còn bị những nhân vật này đè ra tiêm hoặc nhét thuốc đắng vào mồm. Ai mà yêu thương nổi. Vậy nên, hình phạt cho những điều sai trái là “đi bác sĩ”. Và thế là những “thiên thần khoác áo blouse trắng” với sứ mệnh bảo vệ sức khỏe của mọi người lại thành “nhân vật phản diện” trong mắt lũ trẻ.
Trường hợp của cô bác sĩ xinh đep Đ.H.Tr thì hơi khác một chút nhưng mình vẫn bổ sung vào chủ đề này vì về bản chất, đó vẫn là vấn đề khoác lên người khác “cái áo phản diện”. Câu chuyện của Tr. thực sự khiến ai cũng phải phì cười kèm cái lắc đầu ngán ngẩm. Cô kể rằng trong lần khám cho một em bé khóc rất to, bố em đã dỗ dành con mình bằng cách nói:”bác sĩ hư, bác sĩ làm con khóc, để bố đánh chừa bác sĩ” đồng thời đưa tay đánh vào vai cô thật. Cô chỉ biết lặng người vì bất ngờ và sau đó phải đứng lên đi ra ngoài để lấy lại thăng bằng cho cảm xúc.
– Bảo vệ: những chú bác bảo vệ thường có bề ngoài uy lực hơn vì khoác lên mình bộ đồng phục trông rất oai phong. Đôi khi còn trang bị thêm cái dùi cui bên người nữa. Vì vậy mà bảo vệ hân hạnh được đứng vào hàng ngũ bài trừ các hành vi “không đúng” của trẻ con.
- Cô giáo: một trong những đối tượng mang tiếng oan nhiều nhất là cô giáo. Rõ ràng là các cô ngày ngày chăm trẻ, yêu trẻ, dạy dỗ trẻ... nhưng cũng chính là hình tượng được mang ra làm "vũ khí" của ông bà, bố mẹ để dọa trẻ con nhiều nhất. "Ăn đi không mai bà mách cô giáo đấy"; "con không ngoan là mai mẹ nói cô phạt đấy nhé!".
– Và có thể là bất kỳ ai: một người có bề ngoài dữ tợn, một người có giọng nói to, một người có vẻ mặt cau có… đều có thể là ngáo ộp. Lũ trẻ bị dọa đến nỗi sợ hãi một người hoàn toàn vô hại một cách vô lý.
Trong các câu chuyện của bác Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta thường bắt gặp chi tiết kiểu “hồi bé bọn tôi rất sợ ông A, chú B, v.v…“, sợ chỉ vì người lớn xung quanh tự khoác lên ông A, chú B cái mác ngáo ộp rồi tiêm vào đầu con trẻ những điều không có thật. Để rồi hậu quả là những người vô tội ấy bị kỳ thị vì một việc mà mình chẳng hề làm, còn lũ trẻ thì chịu tâm lý sợ hãi suốt cả tuổi thơ. Người lớn ạ, xin hãy cẩn trọng trong hành xử, vì một việc bạn không cho là nghiêm trọng, có thể sẽ gây ra tổn thương cho người khác và chính con em mình.