top of page

Khi con không hòa đồng


Vào một buổi sớm mùa đông lạnh lẽo và trống rỗng như tài khoản ngân hàng của tôi, “người em xã hội” nhắn tin:


- Chị ơi, em cần chị tư vấn.

- Vào việc!

- N. nhà em chả thích chơi với bạn bè gì cả, toàn ngồi chơi một mình. Mà các bạn cũng không thích chơi cùng nó, còn nói thẳng không thích chơi với N. Các bạn cứ chạy nhảy chồm chồm, nó ngồi nhìn, không thì cũng ra một chỗ nhặt lá đá ống bơ. Nó có thích chơi với 1-2 bạn, nhưng mấy bạn này lại nghe các bạn khác xui “đừng chơi với N., mặt nó cứ xị ra” nên nó cũng buồn. Em lo cứ thế này nó tổn thương. Làm sao để nó hòa đồng nhỉ? Làm sao để các bạn chơi với nó nhỉ?

- Thế N. bảo sao?

- Bảo các bạn ồn ào lắm, không thích chơi. Hỏi đi học vui không thì vẫn bảo vui. Nhưng mặt nó cứ lạnh te, không cười, không giao lưu, không nói chuyện.

- Nó không thích chơi với các bạn, các bạn không thích chơi với nó mà cố ép hai bên phải chơi với nhau thì có thấy phi lý không vại má???


Đùa vậy thôi, tình huống này tôi xin có ý kiến như sau. Em bé N. (6,5 tuổi) đang thể hiện mình là một người hướng nội qua các biểu hiện:


- Thích yên tĩnh

- Giới hạn các mối quan hệ xã hội

- Không “mặn mà” với các hoạt động sôi nổi, ồn ào.


Với người hướng nội thì điều đó không có gì bất thường cả, bạn cần tôn trọng đặc tính bẩm sinh của con. Trước tiên, hãy khẳng định rằng việc con cảm thấy không thích tham gia các trò chơi chạy nhảy, hoặc những câu chuyện rôm rả cùng bạn bè không có gì sai trái hết. Đứa trẻ hướng nội sẽ sống hạnh phúc nếu được cha mẹ chấp nhận, và giúp chúng chấp nhận chính mình.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần giúp con nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể và khách quan: “Con hoàn toàn được quyền sống đúng với bản năng của mình, và không cần phải quá “gồng” để làm một việc khiến con không thoải mái. Tuy nhiên, vì chúng ta ở trong cộng đồng, chúng ta vẫn cần các mối quan hệ nên con cũng phải cân nhắc khi sống quá tách biệt với bạn bè. Như con thấy đấy, dù chơi một mình con vẫn ổn, nhưng con sẽ tạo một ấn tượng trong mắt người khác rằng con không hòa đồng, khó gần và hệ quả là các bạn ít có thiện cảm với con. Con thấy sao về việc này?”


Hãy bày tỏ sự cảm thông và an ủi con về chuyện những bạn con thích không gần gũi với con nữa do bị lôi kéo, xúi bẩy; đồng thời, giải thích rằng “các bạn vẫn chỉ là những đứa trẻ thôi, mà trẻ con thì không phải ai cũng đủ ý thức lẫn bản lĩnh vững vàng để có thể cản lại ảnh hưởng của đám đông. Nếu bạn mặc kệ lời xúi giục và tiếp tục chơi với con, nhiều khả năng chính bạn cũng sẽ bị cô lập. Điều này hẳn là rất khó khăn cho bạn. Chúng ta không trách bạn được. Nếu muốn cải thiện tình hình, tự chúng ta phải thay đổi bản thân. Thay đổi bản thân trong trường hợp này không có nghĩa là chiều lòng đám đông, mà là một sự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh; thay đổi vì chính lợi ích của mình.


Với những bạn thể hiện ra mặt không thích con cũng vậy, tuy các bạn có phần thô lỗ, nhưng dù sao đó cũng là cảm nhận của họ. Chúng ta không sai khi sống đúng với tính cách của mình, nhưng cũng phải lường trước và chấp nhận hệ quả từ điều đó. Con có quyền thể hiện cá tính, người khác có quyền phản ứng lại những gì con thể hiện. Họ không có nghĩa vụ phải thông cảm và ta cũng không thể làm gì thay đổi họ được, ta chỉ thay đổi được chính mình. Nếu con cảm thấy sự cô lập với bạn bè khiến con buồn, hãy cân nhắc về những việc mình nên làm để cởi mở hơn nhé. Ví dụ, thay vì mang một bộ mặt lạnh lùng, con có thể mỉm cười và gật đầu chào các bạn; khi ngồi ăn thì cũng nên cười và hỏi thăm bạn một chút, khen cái áo bạn mặc, khen cặp tóc bạn cài v.v... Những việc này không buộc con phải cố gắng quá nhiều mà vẫn giúp con tạo được thiện cảm với mọi người. Con suy nghĩ thêm nhé.


Thế giới này có 9 tỷ người với 9 tỷ nhân cách khác nhau. Chắc chắn con sẽ tìm thấy những người bạn có đặc điểm phù hợp để chơi cùng. Không thấy ở đây thì sẽ ở chỗ khác. Còn trong trường xui rủi nhất là tìm mãi không thấy, thì về chơi với… mẹ. Con không bao giờ cô đơn cả.”


Khi bước vào tiểu học là lúc trẻ bắt đầu tiếp xúc với một xã hội rộng hơn, với các tình huống phức tạp hơn, đòi hỏi trẻ phải có những kỹ năng cũng như tư duy mang tính trưởng thành hơn. Đồng thời, đây cũng là lúc trẻ bắt đầu hứng thú và hiểu được các khái niệm trừu tượng nên cha mẹ sẽ dễ dàng khi nói chuyện hay giải nghĩa cho con một vấn đề cụ thể. Vì vậy, bạn cần trung thực, khách quan, cầu thị trong mọi tương tác, tránh làm con nhìn nhận sai lệch. Mặt khác, trẻ cần tự mình trải nghiệm và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Bạn không nên can thiệp quá sâu, cũng đừng bắt con phải làm theo chân lý của bạn, thêm nữa là càng phải tránh phán xét, bình luận về nhân cách của chúng.


Một lưu ý nhỏ với cha mẹ là trẻ em hoàn toàn có thể bị lo âu và trầm cảm giống như người lớn. Bởi vậy, việc quan trọng là phải nhận thức được các triệu chứng của lo âu và trầm cảm ở trẻ em (ví dụ: né tránh người khác, ủ dột, năng lượng thấp) để phân biệt với hướng nội – yếu tố hoàn toàn mang tính di truyền và thuộc về tính cách. Chỉ cần chú tâm quan sát và lắng nghe, bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được con đang gặp vấn đề gì.


(Ảnh: thiết kế từ Canva)

6 views0 comments
bottom of page