top of page

Lòng tốt hồ đồ

Updated: Jun 23, 2022


Bạn tôi đã từng dành cả một buổi để tâm sự chuyện cô ấy phải giúp đỡ người khác khá nhiều trong khi bản thân cũng có một gia đình và con nhỏ để chăm lo; rồi cả chuyện cô ấy có lòng, có thành ý như thế nào nhưng không được ghi nhận và cũng không nhận lại dù chỉ một nửa. Sau tất cả, tôi nói với cô ấy rằng:


- Thực ra người em giận nhất là bản thân em đó. Em đang giận mình vì đã trao đi lòng tốt một cách vô lý, em giận mình không thể dừng lại sau những thất vọng, và em cũng giận mình đã không thể nói “không”.


Lòng tốt của chúng ta vốn là lòng trắc ẩn, là đại diện của cái thiện, là sự thôi thúc làm những việc tốt giúp đời, giúp người. Nhưng sẽ thế nào khi lòng tốt của mình lại mang về cho mình toàn thiệt thòi và cảm xúc tiêu cực. Tôi tạm gọi đó là “lòng tốt hồ đồ”.

Lòng tốt hồ đồ mang lại những rắc rối gì cho bạn?


Sự mệt mỏi và bức xúc. Bạn chỉ có thể giúp đỡ người khác khi bạn có đủ tài nguyên. Tài nguyên ở đây có thể là thời gian, sức khỏe, tinh thần, năng lượng tích cực, tài chính… Nếu chính bạn còn không có, bạn định giúp người ta kiểu gì?

Ví dụ bạn không có thời gian, đừng nghĩ đến chuyện nhận lời thay ai làm việc gì đó (trừ khi đó là tình huống khẩn); nếu bạn không có tiền, làm ơn đừng hỗ trợ tài chính cho cuộc đời người khác; và quan trọng nhất, nếu tinh thần bạn rệu rã, kiệt quệ, xin chớ gồng mình thể hiện rằng bạn là người nhiệt tình, tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ thiên hạ. Liên đới rắc rối cho những người xung quanh.

Cô bạn tôi nhắc bên trên là một working-mom. Sáng sớm tất bật chuẩn bị đưa hai đứa con đến trường, tám tiếng quay cuồng nơi công sở, chiều về lại hớt hải đón con và cắm đầu cắm cổ lo cơm nước, việc nhà. Nhìn vào cái routine kín đặc không còn một chỗ hở ấy, tôi tự hỏi cô ấy lấy đâu thêm thời gian để lo cho “người em dâu vừa sinh con, vụng về, không biết cái gì” theo yêu cầu của mẹ chồng nữa. Sự vất vả, mệt mỏi có làm cô ấy cáu kỉnh, gắt gỏng thì chồng và các con liệu có thể vui vẻ được không? Mỗi ngày trôi qua trong ấm ức như thế có làm gia đình hạnh phúc nổi không?


Hoặc giả sử bạn là một người đến chi tiêu của mình còn phải căn ke, nhưng lại không nao núng cho tiền người khác mỗi khi họ xin, thậm chí họ không xin nhưng bạn cũng tự móc cái hầu bao chẳng lấy làm rủng rỉnh ra cho bởi vì “thấy thương, thấy tội”, để rồi chính bạn tiếp tục lâm vào cảnh “thiếu trước hụt sau”. Khi ấy, đến lượt những người thân yêu của bạn phải giúp đỡ bạn. Bạn cứ phải gồng lên để tốt làm gì khi việc đó chỉ khiến cho cả bạn lẫn những người yêu thương bạn mệt mỏi, bế tắc, thậm chí là xung đột. Bạn không cảm thấy bất công với họ à?


Nếu không được đặt đúng chỗ, lòng tốt hồ đồ là một thứ nghiệp chướng. Trong cuộc sống này không thiếu những lần chúng ta giúp sai người. Không sao cả. Mình tốt là phúc mình, còn họ sống tệ là nghiệp của họ. Kệ họ thôi!

Tuy nhiên, biết họ sống không ra gì mà vẫn năm lần bảy lượt bao dung, vị tha rồi ra tay tương trợ thì ôi thôi, cái nghiệp của bạn nó nặng không để đâu cho hết. Tại sao ư?


Sống trên đời ai cũng phải tự lập, tự lo thân. Chẳng có kẻ nào thiếu ý chí, thiếu liêm sỉ, thích dựa dẫm mà dám mặt dày ngang ngược mong cầu được sung sướng, hạnh phúc cả. Bạn giúp đỡ những kẻ đó chẳng khác nào tiếp tay cho họ bấu víu cái thói lười biếng, ỉ lại. Họ không làm được cái gì tử tế cho đời - họ vô phúc. Bạn gián tiếp tạo ra những kẻ vô phúc - bạn tạo nghiệp.


Chưa kể, nếu người bạn giúp là kẻ vô ơn, chỉ biết hưởng mà không biết làm, thì xin thưa, vũ trụ còng lưng đỡ cũng không lại cái nghiệp này đâu. Ngoài ra, dù tôi không có tí chuyên môn nào về tâm lý học, nhưng tôi mơ hồ cảm nhận được rằng, với một số người (nhấn mạnh là “một số”, không phải tất cả), đằng sau lòng tốt hồ đồ khó cải tạo ấy là những nhu cầu mang tính ám ảnh.


  • Nhu cầu được khẳng định vị thế bản thân giữa cộng đồng. Người được tiếng là tốt bụng, hay giúp đỡ người khác cần được sống trong sự ghi nhận, tung hô. Họ có nhu cầu được nghe những lời tán thưởng cũng như khen ngợi. Cách đây khá lâu tôi có đọc câu chuyện về một người phụ nữ rất năng nổ làm từ thiện. Chuyến đi nào chị cũng tham gia, phong trào nào chị cũng có mặt. Chị hiếm khi ở nhà. Con cái chị phó mặc người thân trông nom. Chị hăm hở ban phát lòng tốt cho thế giới bên ngoài nhưng hờ hững với chính gia đình nhỏ của mình. Chúng ta đều thấy chuyện này nghe có chút lấn cấn phải không?

  • Nhu cầu được nhớ đến. Có những người sợ cảm giác bị lãng quên, sợ không ai nhớ đến mình. Bởi vậy, cách tốt nhất để xoa dịu nỗi sợ đó là tiếp cận mọi người bằng cách giúp đỡ họ, ban ơn cho họ, ghi dấu ấn trong lòng họ, càng nhiều càng tốt.


Câu nói “cái gì quá cũng không tốt” chưa bao giờ sai. Lòng tốt hồ đồ được thực hiện trong sự mù quáng thậm chí còn làm hại tất cả. Nếu bạn đang có xu hướng tiếp diễn một lòng tốt hồ đồ, hy vọng bạn hãy dành ra chút ít thời gian để suy ngẫm.


Nếu những việc bạn làm có hại nhiều hơn có lợi, vui lòng đừng làm gì!


(Ảnh: Canva)


5 views0 comments
bottom of page