top of page

[Loạt bài về Montessori] _ ‘NGƯỜI THẦY NỘI TẠI’



Hồi còn nhỏ Miu - con lớn của mình - bị coi là đứa trẻ nhút nhát. Cứ ra chỗ đông người là nó gần như không cười, ít nói, và mặt lúc nào cũng (tỏ ra) buồn man mác. Rất nhiều người đã bảo mình cần phải tác động để nó bớt nhút nhát và bạo dạn hơn. Lúc ấy mình chỉ đáp: mình chỉ tạo điều kiện, còn lại cứ để ‘người thầy nội tại’ trong con chỉ dẫn nó phải làm những gì.


THẾ ‘NGƯỜI THẦY NỘI TẠI’ LÀ AI?


Rất nhiều nghiên cứu khoa học từ xa xưa đến hiện đại đã cho thấy rằng trẻ em có một đời sống tâm lý đặc biệt mà đến tận bây giờ vẫn còn nhiều bí ẩn với thế giới. Chúng ta đã bao giờ tự hỏi: tại sao em bé lại biết bò, biết đi, biết nói, biết cầm nắm và vận động? Có phải em bé làm tất cả những thứ đó là nhờ cha mẹ và cô giáo dạy cho? Không! không ai dạy được em bé. Montessori đã chỉ ra rằng ở tuổi ấu thơ, trí tuệ của trẻ em là trí tuệ thẩm thấu, đó là một “hình thái tâm trí có thể tiếp thu kiến thức và tự chỉ dẫn bản thân”. Điều này thể hiện rõ rệt qua thành tựu rực rỡ nhất: ngôn ngữ. Bằng cách kỳ diệu nào đó, em bé đã có thể nói được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình mà không cần ai phải dạy dỗ, chính xác và hoàn chỉnh. Và thành tựu này xảy ra với mọi đứa trẻ trên thế giới, không phân biệt lãnh thổ, văn hóa, tôn giáo. Dường như bên trong em bé có một ‘người thầy nội tại’ – đó là một ‘người thầy chính trực’ được đấng tạo hóa giao cho trọng trách chỉ cho em bé cách xử trí với môi trường xung quanh và bảo vệ tâm hồn đứa trẻ khỏi những tác động của trí tuệ người lớn.


Mỗi em bé là một cá thể đặc biệt của tự nhiên, chúng có bản ngã, đặc điểm tính cách, tâm lý riêng biệt. Ngay cả đến những em bé sinh đôi cùng trứng cũng không thể giống nhau hoàn toàn. Bởi vậy mà trước một tình huống hay hoàn cảnh nhất định, mỗi đứa trẻ sẽ có phản ứng và trải nghiệm khác nhau. Ví dụ: trong bữa tiệc sinh nhật đầy sắc màu và âm nhạc, có em bé sẽ không ngừng nhảy múa, hưởng ứng không khí sôi động; nhưng cũng có những em bé lặng lẽ, khép nép ngồi trong lòng bố mẹ vì cảm thấy không sẵn sàng mở lòng trước không gian đầy tiếng ồn và những người lạ. Chúng ta dù có cố đến mấy cũng không thể buộc em bé cư xử theo cách mà người lớn mong muốn được. Em bé chỉ nghe theo ‘người thầy nội tại’ của mình. ‘Người thầy’ ấy sẽ đưa ra chỉ dẫn hành vi phù hợp nhất với bản ngã của em, để đảm bảo tâm hồn bé nhỏ được thoải mái và an toàn.


Maria Montessori đã khẳng định:”Giáo dục không phải là thứ giáo viên đem lại: giáo dục là một quá trình tự nhiên diễn ra tự phát bởi cá thể người. Nó đạt được không phải bằng cách truyền thụ, mà bằng trải nghiệm với môi trường.” Mình thấy điều này cũng rất đúng với giáo dục trong gia đình.

VẬY THÌ VAI TRÒ CỦA CHA MẸ Ở ĐÂU?


Trở lại câu chuyện của Miu. Mình tin tưởng vào ‘người thầy nội tại’ nhưng không có nghĩa là mình vô can trong cuộc sống của con. Việc mình đã làm là tìm cho con những người đồng hành phù hợp: những cô giáo có phong thái nhẹ nhàng, những người bạn ôn hòa, lịch thiệp; mình mang con đến những buổi giao lưu quy mô nhỏ, ấm cúng và vui vẻ; và khi con đã dạn dĩ hơn thì mình gợi ý con thử sức với những sân khấu lớn. Tóm lại, mình tạo ra môi trường, còn con sẽ tự trải nghiệm.


Các bậc cha mẹ xin hãy luôn nhớ rằng: khi trẻ đang ở trong giai đoạn thẩm thấu, sẽ không có chuyện chúng ta DẠY gì được cho chúng cả. Chúng ta chỉ có thể hỗ trợ bằng cách tạo ra môi trường được chuẩn bị phù hợp và cẩn trọng nhất, để kích thích các trải nghiệm mà thôi. Bởi vậy, bạn cần hoàn toàn tôn trọng quyết định của con mình, cho dù chúng có thể không đạt kỳ vọng của bạn.


P/s: Xin bonus chút chuyện ngoài lề với các bác rằng cháu Miu nhút nhát của năm 3 tuổi khi lên 6 tuổi đã hân hạnh gia nhập “biệt đội siêu anh hùng trừ gian diệt ác” ở lớp (thành phần vốn chỉ gồm toàn con trai), và năm 9 tuổi thì ngồi vẽ một ngày 30 bức tranh rồi nằng nặc đòi mang ra bờ sông để… bán. Chưa hết, không bán được thì mang đi khắp xóm tặng hết người này người nọ như một cách direct marketing. Giờ đây làm gì còn ai dám bảo cháu nhút nhát nữa :(

9 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page