top of page

"Mẹ ơi, sao các cụ lại chết?"



Tầm bốn tuổi rưỡi, Đậu bắt đầu hỏi mẹ về việc “các cụ lên trời”.


Chả là tháng nào mẹ cũng thắp hương và trên ban thờ đặt ảnh hai cụ nên trong tâm trí của Đậu, “thắp hương vái các cụ” là một hoạt động quen thuộc. Rồi một ngày, nó bắt đầu hỏi những câu như:


- Các cụ là ai? Cụ đi đâu rồi? Con đã bao giờ gặp các cụ chưa?

- Chết là gì? Tại sao các cụ lại chết?

- Già là phải “lên trời” hả mẹ?


Mình cần mẫn giải đáp từng câu hỏi của con và không quên chuẩn bị một tinh thần vững vàng để đón nhận phản ứng. Quả nhiên, sau khi đã tiếp thu đầy đủ khái niệm về “cái chết” là một loạt những lo âu và sợ hãi ra đời.


- Bà già rồi thì bà sẽ chết phải không?

- Con không muốn bà “lên trời”, òa oà!!!


Tình hình này cứ thế tiếp diễn phải gần hai năm thì nó mới dần cảm thấy bình tĩnh mỗi khi đối diện với chuyện “chết”.


Quá trình giúp trẻ vượt qua sợ hãi trước khái niệm “chết” không chỉ đơn giản là giải thích và trấn an, càng không phải chuyện nhỏ nhặt mà nhiều người lớn tặc lưỡi xem nhẹ, nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và đòi hỏi cả một sự nhẫn nại cũng như đồng cảm lớn từ cha mẹ. Mình đã cùng con tương tác về câu chuyện cái chết như thế này:


- Các cụ là ai và đi đâu rồi?


- Hai cụ là ông bà ngoại của mẹ. Nhiều năm trước các cụ già và chết đi, giống như bà của bạn Lạc trong truyện “Bà ngoại yêu dấu” ấy. Lúc đó mẹ chưa sinh Đậu nên con không được gặp các cụ. Nhà mình đặt ảnh ở ban thờ và thắp hương, cầu nguyện để nhớ về các cụ.

Chết tức là mọi bộ phận trong cơ thể đều ngừng hoạt động. Người chết sẽ không bao giờ cử động được nữa. Mọi người sẽ có nhiều cách khác nhau để nói về cái chết, chẳng hạn như “mất, qua đời, từ trần”; chúng mình có thể gọi là “lên trời”, trong truyện mình đọc người ta cũng gọi tương tự như vậy mà.


- Bà già rồi thì bà sẽ chết phải không? Con không muốn bà “lên trời”...


- Đậu Đậu buồn lắm khi nghĩ đến lúc bà sẽ già và phải chết đúng không? Mẹ cũng vậy, mẹ rất sợ nghĩ đến việc mình và những người mình yêu thương phải chết. Nhưng tất cả mọi người đều trải qua quá trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già đi và qua đời. Bà cũng vậy và chúng mình cũng vậy. Có những người vì một lý nào đó mà sẽ chết sớm hơn, ví dụ như bệnh tật, tai nạn. Nhưng cũng có những người thực sự sống rất lâu, như cụ nội mà con thường về thăm đó. Con thấy đấy, cụ đã gần 100 tuổi rồi, cụ già đến mức không thể đi lại được mà vẫn đọc cả bài thơ cho mình nghe. Chúng ta hoàn toàn có thể mong chính mình và người mình yêu quý sống lâu như cụ.


- Mẹ ơi, bố của bạn Hiccup trong phần Hai bị chết đấy, tim ngừng đập và không động đậy. Nhưng may quá bạn ấy lại tìm được mẹ.


- Thế à! Em vừa xem xong phim hả? Thương Hiccup quá. Con thấy bạn ấy như thế nào?


- Bạn ấy buồn lắm nhưng may mà vẫn còn mẹ.


Thú thật, mình cũng cảm thấy rất bối rối và từng băn khoăn vì cách mình áp dụng có thể chưa hợp lý ở đâu đó, nhưng hiện tại mình thở phào vì đã hỗ trợ con tiếp nhận được một khái niệm khó khăn. Những điều mình tự rút ra là:

  • Dù cha mẹ nào cũng sợ con cái tổn thương, nhưng đừng vì thế mà né tránh việc nói về cái chết. Chúng ta không thể tránh được thực tế trẻ sẽ buồn, sợ hãi, lo lắng bởi đây là quy luật tự nhiên của cuộc đời, và nó diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Sớm hay muộn con vẫn sẽ phải đối diện thôi. Tuy nhiên, tùy từng độ tuổi và từng đứa trẻ, hãy lựa cách giải thích phù hợp nhất với khả năng tiếp thu của chúng. Lúc bốn tuổi rưỡi Đậu đã có thể hiểu khá nhiều và sâu nên mình trao đổi với con một cách ngắn gọn, rõ ràng và đầy đủ nhất.


  • Không dùng những cách nói giảm, nói tránh hoặc hoa mỹ khi cung cấp thông tin về cái chết với trẻ. Trẻ cần phải phải nắm được: chết là sự dừng hoạt động của cơ thể, cơ thể không còn sự sống đó sẽ được chôn xuống đất vĩnh viễn. Trong câu chuyện của nhà mình, mình chỉ dùng từ “lên trời” sau khi đã giải thích rõ với con, chắc chắn nó hiểu chính xác khái niệm. Mặt khác, từ này vốn quen thuộc qua câu chuyện liên quan mà nó đã đọc (và, bạn biết đấy, cũng dễ nghe hơn phải không!)


  • Hãy hỏi trẻ về chính cảm nhận của chúng, ghi nhận cảm xúc mà chúng có, để chúng được khóc thoải mái hoặc bày tỏ suy nghĩ trước nỗi sợ của mình. Đừng cố phủ nhận cảm xúc của con, bởi xét cho cùng, sợ chết là một nỗi sợ chính đáng mà. Trẻ cũng sợ phải mất đi người thân vì chúng rất yêu họ. Người lớn cần tôn trọng tình cảm của trẻ.


  • Cha mẹ cũng đừng nên che giấu cảm nhận của chính bản thân mình. Bản thân mình cực kỳ sợ mỗi khi nghĩ về cái chết, dù là của mình hay của bất kỳ ai. Việc chia sẻ với con không chỉ để đồng cảm mà còn là cách để chúng mình cũng nhau chấp nhận và vượt qua.

Chặng đường lớn lên của con cái chúng ta vẫn còn rất dài, những điều con cần tiếp thu còn rất nhiều. Mong các bậc cha mẹ sẽ luôn kiên cường và minh triết để đồng hành cùng con trên hành trình lâu dài và bền bỉ này!


(Ảnh: thiết kế từ Canva)


2 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page