top of page

Nói đùa liệu có luôn vui


Cách đây không lâu, trên nhóm An Nhiên Làm Cha Mẹ - Ươm Hạt Mầm Yêu Thương có một thành viên tâm sự rằng hồi bé bạn hay bị trêu là “con của ông nào đó” chứ không phải con của bố mẹ mình. Kết quả là bạn đã sống cả quãng thời gian dài đầy ám ảnh bởi những câu đùa tưởng chừng vô hại. Câu chuyện của bạn làm mình nhớ lại một tuổi thơ cũng từng mất vui vì bị người lớn mang ra đùa cợt.


Bao nhiêu năm tháng ấu thơ là bấy nhiêu thời gian mình phải nghe những câu nói kiểu như:

“Bố mày không về nữa đâu.”

“Bố lấy vợ hai rồi, mẹ lấy chồng nữa là mày chỉ có ở với bà thôi.”

“Mấy hôm nữa bố về dắt theo thằng cu cho mà trông.”


Những người nói với mình câu ấy, thuộc về hai kiểu:

1. Họ ghét gia đình mình. Họ không cần biết bố mình đi nước ngoài thì nhà mình có “giàu có, sung sướng” thật không, họ chỉ thấy cứ có người “đi Tây” thì lao vào sân si, xỉa xói mà thôi. Mình không chấp họ. Xét cho cùng, họ chỉ là những người tự ti và bất mãn đến nỗi phải trút cơn phẫn nộ với cuộc đời lên một đứa trẻ. Nhưng mình vẫn buồn, tức và ấm ức vô cùng.


2. Họ đùa vì họ thấy vui và cho rằng việc đó vô hại. Họ chẳng cần nhìn nét mặt xụi lơ, tủi thân, hay giọt nước mắt lăn dài của mình. Có chăng, tử tế hơn chút thì sau khi để mình khóc ngon lành, họ sẽ phủi tất cả bằng câu: “Thôi nín đi, cô/chú/bác đùa có tí mà cũng khóc. Con này chỉ giỏi mau nước mắt.”


Dù thuộc kiểu nào bên trên thì những người lớn ấy cũng không thèm bận tâm xem tổn thương họ để lại trong tâm hồn trẻ con sâu sắc đến thế nào. Họ đùa dai, quá đáng và phản cảm.


Đứa trẻ sắp/ đã có em thì “ra rìa rồi nhé”.

Đứa trẻ không giống bố/ mẹ thì “mày là con ông A/ bà B, bố mẹ chỉ nuôi hộ thôi”.

Đứa trẻ có điểm học tập không cao thì “học dốt thế sau này chỉ có nhặt rác/ bán báo/ hót phân”.


Đã có bao nhiêu đứa trẻ vì bị trêu mà ghét bỏ em mình, khóc cạn nước mắt vì tưởng mình chỉ là con nuôi, hay mất hết cả tự tin lẫn động lực vì mình “học dốt”?


Bạn bè mình có những người rất cá tính, chúng nó sẵn sàng cãi lại để rồi bị chửi là “láo toét, trả treo”. Mình rất ngưỡng mộ những đứa dám phản biện, ít nhất còn giải tỏa được ấm ức trong lòng chứ hèn như mình thì chỉ biết bỏ đi rồi tìm cách tránh xa loại người lớn vô duyên đó thôi. Thực ra cũng không hẳn là “hèn”, mình không muốn người ta có cái cớ để nói mình là đứa trẻ hư và quy là hệ quả của việc “thiếu bố”. Mình không muốn mẹ mình phải thêm suy nghĩ vì bất kỳ một phiền phức nào.


Thế đấy, làm trẻ con đâu phải cho có mỗi ăn, chơi, ngủ nghỉ, sau này thêm nhiệm vụ học hành. Làm trẻ con còn phải đối mặt với những tổn thương từ sự vô tâm (thậm chí nhẫn tâm) của những người lớn vô duyên. Họ thản nhiên chà đạp tình yêu, niềm tin, sự gắn bó của đứa trẻ. Họ không hề biết rằng chỉ một lời nói đùa cũng để lại nguyên bầu trời ám ảnh phủ lên tuổi thơ vốn dĩ thuần khiết, vô tư.


Bài viết trong nhóm mình nói bên trên nhận được nhiều comment đồng cảm. Trong đó có một comment vừa buồn cười, vừa thương. Bạn ấy kể rằng phải đến tận lúc lén lục sổ hộ khẩu ra xem, thấy tên ở mục “Con ruột” mới hoàn toàn yên tâm. Còn mình, hồi đó mỗi ngày mình chỉ biết cầu trời khấn phật “cho bố con sẽ về, bố con sẽ không bỏ con”. Bây giờ ngồi ôn lại những phản ứng hồi bé thì chắc chúng ta đều cảm thấy buồn cười vì sự ngây thơ, trẻ con của mình. Nhưng đằng sau nụ cười của hiện tại thực sự là những vết sẹo tâm hồn vắt ngang quá khứ. “Cái cây sẽ nhớ, cái rìu sẽ quên” - người ta có thể quên ngay lời sát thương họ nói, nhưng một đứa trẻ có thể phải nhớ suốt cả một cuộc đời.


Mình vốn là đứa mang tiếng là “giữ con thái quá” vì trước 6 tuổi, phạm vi giao lưu của con mình rất hẹp: từ trường về nhà, chỉ tiếp xúc nhiều với cô giáo, bố mẹ, ông bà, đi đâu cũng có bố mẹ (hoặc ít nhất là một trong hai) bên cạnh. Vì vậy mà con mình không “khôn”, không nói năng hoạt bát, không phản xạ nhanh. Có nhiều lý do khiến mình quyết định như vậy, và một trong số đó là mình muốn đảm bảo, một cách tốt nhất, rằng con mình sẽ không vô tình phải nghe những lời bông đùa vô duyên khiến nó hoang mang. Hiện tại, khi con lớn, có nền tảng tâm hồn vững chãi và đủ nhận thức để phân biệt giữa đùa cợt và sự thật, mình mới có thể thoải mái để nó được giao thiệp rộng hơn.


Câu ngạn ngữ cổ “Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” (It takes a village to raise a child) chưa bao giờ sai. Chúng ta không thể mặc định rằng trách nhiệm nuôi dạy lũ trẻ chỉ thuộc về mỗi gia đình chúng mà phủ nhận trách nhiệm của xã hội đối với những mầm non của đất nước. Từng lời nói tốt đẹp, cử chỉ văn minh, hành động tử tế của chính chúng ta với với bất kỳ đứa trẻ nào đều góp phần giúp chúng xây dựng một thế giới quan tươi sáng và niềm tin tích cực vào cuộc đời - đó chính là nền tảng tạo ra nhân cách tốt; nhân cách tốt sẽ trở thành công dân tốt.


Hãy cẩn trọng khi nói đùa, mình vui mà người khác không vui thì người ta gọi là zô ziên đó.

Bạn có chuyện gì buồn trong quá khứ không? Nếu muốn tìm một người lắng nghe không phán xét, đừng ngại kết nối với mình tại mục https://www.todayisapresent.com/trợ-giúp


3 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page