top of page

‘NGƯỜI TA’ LÀ AI?



Hồi bé (và cả bây giờ), mọi người có hay nghe về một nhân vật bí ẩn nhưng quyền lực, đó là ‘người ta’ không? Mấy câu kiểu:”đừng có làm thế, người ta cười cho”; hoặc là “Thôi, làm vậy người ta lại bảo mình thế nọ thế kia” có ám ảnh mọi người không? Mình thì ấn tượng tới giờ luôn đó.

Điển hình là hồi học cấp 3, mình chả biết làm gì ngoài học (và đi chơi), không biết nấu cơm, không biết cắm hoa, tóm lại là mình vô dụng :))) Vậy là đi đến đâu cũng nghe những câu như thế này:

– cháu phải bảo mẹ dạy nấu ăn đi, chứ con gái mà không biết làm gì, sau này người ta cười cho.

– mày không làm (việc nhà) cho quen đi, sau này người ta lại cười mẹ mày không biết dạy.

Không phải là mình không muốn làm, nhưng với tâm lý của tuổi teen, càng nghe mình càng khó chịu, kết quả là mình nhất quyết không đụng đến xoong nồi bếp núc gì hết. Mình ước ngày ấy đầu óc mình đủ ý thức và tư duy để hỏi lại những người đó rằng: ‘người ta’ là ai?

‘Người ta’ là thứ khiến chúng ta cảm thấy áy náy và day dứt khi bản thân có khiếm khuyết

Trở lại câu chuyện không biết nấu cơm của mình. Đúng là vì tâm lý chống đối nên mình nhất quyết không chịu vào bếp để học. Nhưng sự thật là khi đi đến đâu, nghe mọi người hỏi “có biết nấu nướng không? biết làm món gì rồi?” mình thấy rất mặc cảm. Cảm giác cứ như thể mình là đứa kém cỏi lắm vậy. Mãi sau này mình mới nhận ra, không biết nấu cơm cũng không phải quá nghiêm trọng, bởi vì mình đã dành phần lớn thời gian cho việc học. Thành tích học hành của mình ở dạng tốt. Hàng ngày mẹ mình vẫn là người vào bếp và bà hoàn toàn thoải mái với việc đó, cả nhà mình vui vẻ. Vậy thì có lý do gì để phải căng thẳng chỉ vì “từng này tuổi không biết nấu cơm người ta cười cho”?

Tự tạo cái khung kìm kẹp bản thân vì một “người ta” trong tưởng tượng

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta, mỗi khi làm một việc gì hoặc có lối suy nghĩ gì khác với số đông, đều ít nhiều nảy sinh tâm lý e dè kiểu “liệu người ta phản ứng thế nào về chuyện này nhỉ?”. Người bản lĩnh thì sẽ mặc kệ để hành động theo ý thích, còn người rụt rè thì có khi sẽ không đủ dũng cảm mà bỏ cuộc. Vậy đã phút nào bạn dừng lại để làm rõ “người ta” là ai chưa? Đó phải chăng là bà cô, bà dì, ông chú, ông bác. Đó phải chăng là những bà hàng xóm xung quanh. Đó phải chăng là những đồng nghiệp ở chỗ làm. Thực chất, “người ta” chỉ là một danh từ để gọi tên cho một rào cản vô hình, được tạo ra bởi chính định kiến của con người. Chúng ta lớn lên với những định kiến về giới hạn thường trực xung quanh, đến mức mà ta còn tưởng lầm rằng đó là quy định bất thành văn mà ai cũng phải theo. Hồi mình còn học đại học, có những bạn gái nhất định phải lấy chồng ở tuổi 25, chậm nhất là 27, không thể muộn hơn được; lấy chồng xong thì phải sinh con trước tuổi 30, sinh muộn hơn thì mẹ già quá; hay là: phải đẻ 2 đứa, không thể chỉ con một được. Tất cả chỉ vì xã hội đa số “người ta” như thế.

Kết quả là bạn bị kẹt trong chính cái rào cản mà không biết ai tạo ra, vì sao lại tạo ra, tạo ra để làm gì. Như vậy không công bằng với bản thân bạn. Bạn sống cuộc đời của chính mình, làm việc của mình; bạn lương thiện, không phạm pháp, không gây hại đến ai. Vậy thì không ai được phán xét bạn cả. Xã hội có tự do ngôn luận. Nên có thể họ sẽ bình phẩm, bàn tán. Nhưng tất cả chỉ nên dừng lại ở những câu chuyện phiếm, vô thưởng vô phạt. Bạn đừng vì dăm ba lời ì xèo mà sợ mang tiếng, để rồi tự hạn chế, thậm chí là cắt đi cơ hội của chính mình.

Và chúng ta cũng không nên biến mình trở thành những “người ta”

Không ai cấm một người quan sát và suy ngẫm về chuyện của người khác cả, nhưng cần có giới hạn cho việc đó. Giới hạn này là tôn trọng quyền riêng tư, tôn trọng sự khác biệt. Mong bạn đừng mang tiêu chuẩn của chính mình ra áp lên người khác, càng mong bạn đừng cất lời miệt thị ai đó chỉ vì họ khác mình.

Tất nhiên, bạn cần mạnh mẽ lên án những điều trái đạo đức, trái pháp luật, những quan điểm tiêu cực gây tác hại cho cộng đồng.

Hãy thông tuệ và văn minh, nhé!


2 views0 comments
bottom of page