top of page

NHẬP MÔN 'XỬ LÝ ĂN VẠ'



Để diễn tả sự kinh hoàng của những cơn ăn vạ thì có lẽ bao nhiêu từ cũng là không đủ. Con ăn vạ = cơn ác mộng không của riêng ai.

Tin buồn là không có bậc cha mẹ nào thoát được cảnh này đâu nên chúng ta đành đối mặt và trang bị cho bản thân đủ loại “áo giáp, vũ khí” để chiến đấu vậy.


VŨ KHÍ THỨ NHẤT: BÌNH TĨNH

Giữ bình tĩnh là yếu tố đầu tiên và sống còn giúp bạn vượt qua cơn ăn vạ của bé. Chớ nên phản ứng lại sự giận dữ của con bằng những câu quát tháo, dọa dẫm, đe nẹt. Hãy giữ bộ mặt bình tĩnh (bình thản cũng được) để bé biết rằng: ăn vạ không phải là phương tiện hiệu quả để thu hút sự chú ý của người lớn; hoặc để đạt được mục đích cá nhân đâu nha con yêu!!!

Và cũng đừng nóng vội trong việc giảng giải cho con rằng như thế là không tốt, không nên v.v… Hãy chờ đến một khoảng thời gian yên tĩnh sau khi cơn giận lắng xuống, hoặc qua hẳn, để cùng thảo luận ôn hòa.


VŨ KHÍ THỨ HAI: PHÂN TÁN SỰ CHÚ Ý

Trẻ rất dễ bị xao nhãng. Hãy thử hướng trẻ sang một hoạt động khác, hoặc gợi ý chúng chơi với một đồ vật (đồ chơi, sách…) nào đó, hoặc tạo ra một gương mặt gây cười để phân tán sự tập trung của chúng vào cơn giận.


VŨ KHÍ THỨ BA: BÀY TỎ SỰ CẢM THÔNG

Đôi khi, việc ăn vạ là biểu hiện của sự khó chịu trong lòng và cơn thịnh nộ chỉ để nói cho thế giới biết rằng: tôi đang cảm thấy khó chịu, thất vọng lắm đây này!!!

Hãy cho bé biết là bạn hiểu bé đang cảm thấy không thoải mái và bạn luôn ở bên bé để chia sẻ.


VŨ KHÍ THỨ THỨ TƯ: LỜ ĐI

Nếu đã áp dụng tất cả phương án trên mà sự việc không hề được cải thiện, hãy nghĩ đến kế sách cuối cùng: lờ đi. Tuy nhiên, việc lờ đi cũng cần cân nhắc cẩn thận.


- Nếu con đang ở một không gian an toàn, bạn có thể để con lại một mình trong vài phút. Tuy nhiên, nếu có một số biểu hiện như đánh người, ném đồ vật có thể gây sát thương, la hét một cách kích động trong thời gian dài, hãy đưa con ra khỏi môi trường đó, nhanh chóng tách con khỏi những đồ vật có thể gây nguy hiểm.


- Nếu đang ở nơi công cộng, bạn cũng có thể kiên nhẫn lờ đi cơn giận của con nếu bé không có biểu hiện gây phiền toái quá mức. Nhưng trong trường hợp bé làm tổn thương bản thân và người khác; hoặc gây ổn ào trong không gian cần yên tĩnh (thư viện chẳng hạn), thì phải đưa con rời khỏi nơi đó ngay lập tức.


=> Bất cứ lúc nào con ăn vạ, hãy nhớ bốn vũ khí trên, nhiều khả năng là một trong số chúng sẽ giúp ích cho bạn. Cơ mà, phòng vẫn hơn chữa. Các bố mẹ cũng nên thuộc lòng những chiến lược phòng tránh cơn ăn vạ của em bé.


CHIẾN LƯỢC PHÒNG TRÁNH CƠN ĂN VẠ


- Thiết lập một thói quen:

Một thói quen hoặc lịch trình nhất quán giúp cho bé biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và mang lại cho chúng cảm giác an toàn. Đó là lí do tại sao với trẻ nhỏ, lịch sinh hoạt ổn định là vô cùng quan trọng. Nếu là một em bé nhạy cảm, con sẽ rất hoang mang khi có gì đó khác lạ xảy ra so với ngày thường.


- Làm mẫu về sự bình tĩnh, an nhiên trong mắt con

Trẻ nhìn vào cha mẹ và thường xuyên quan sát hành vi của họ. Nếu con thấy bạn xử lý sự tức giận và thất vọng của mình một cách bình tĩnh, chúng sẽ có nhiều khả năng bắt chước hành vi của bạn khi trải qua những cảm giác này.

Ngược lại, bạn nóng nảy và kích động, con sẽ hiểu rằng đó là giải pháp thỏa mãn cơn giận. Nhưng chưa hết, bố mẹ được quyền tỏ ra quá khích khi giận dữ, còn đến lượt mình thì lại bị người lớn phê phán. Bé hẳn sẽ cảm thấy lạ lùng và bất công, lâu dần dễ nảy sinh sự chống đối do tâm lý không phục.


- Cho bé vài lựa chọn:

Khi thích hợp, hãy cho con bạn một số phương án và cho phép chúng đưa ra lựa chọn. Điều này sẽ cho con cảm giác rằng con có thể chủ động kiểm soát được hoàn cảnh của mình.


- Đảm bảo con bạn ăn uống hợp lý và ngủ đủ giấc, có một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa cơn nổi giận do mệt mỏi và cáu kỉnh.


- Chuyện gì không quá quan trọng => bỏ qua. Đừng căng thẳng với nhau chỉ vì con muốn mặc quần nhưng mẹ lại muốn con mặc váy, con muốn mang đến lớp thứ đồ chơi yêu thích để chia sẻ cùng các bạn nhưng bố lại thấy phiền v.v… Nếu ước muốn của trẻ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, hãy để chúng được như ý.


- Lưu ý giọng nói của bạn

Nếu bạn muốn con mình làm điều gì đó, hãy nói sao cho giống như một lời mời, thay vì một yêu cầu. Hạ giọng xuống và nói bằng tất cả sự tôn trọng dành cho con.


Đừng quá căng thẳng và sốt ruột, theo thời gian, bạn sẽ học được chiến lược nào phù hợp nhất với con mình thôi


TRƯỜNG HỢP NÀO CẦN THAM KHẢO Ý KIẾN CỦA BÁC SỸ?


Cơn giận dữ là một phần bình thường của quá trình trưởng thành và chúng rất có thể sẽ mất đi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu mức độ nóng giận của con bạn trở nên tồi tệ hơn, hoặc bạn cảm thấy đã quá khả năng kiểm soát, có lẽ đã đến lúc cần tới sự trợ giúp của bác sỹ.


Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa nếu:

• mức độ và tần suất cơn giận dữ của trẻ trở nên tồi tệ hơn sau 4 tuổi

• cơn giận dữ của trẻ mang tính bạo lực và có thể làm đau bản thân hoặc người khác.

• trẻ đập phá đồ đạc.

• trẻ nín thở và ngất xỉu

• trẻ kêu đau bụng, hoặc đau đầu, hoặc trở nên lo lắng

• bạn thất vọng và bế tắc trong cách giải quyết cơn giận dữ của con mình

• bạn sợ bạn có thể kỷ luật con quá khắc nghiệt, hoặc gây hại cho con


Nguồn tham khảo: www.healthline.com

17 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page