Những "cuộc chiến" không có người thắng cuộc
Updated: Jun 29, 2022

Tôi vẫn nhớ như in một buổi sáng của hai năm trước, tôi mở facebook ra và đọc được câu chuyện của người mẹ tâm sự về đứa con bướng bỉnh. Bên dưới có một comment nội dung như thế này:”Tuổi này là ăn tát được rồi đấy. Cứ phải cho ăn vài cái tát xem còn dám láo toét không.” Lặng người! Thế kỷ 21 rồi mà người ta vẫn muốn dùng bạo lực để giáo dục. Đáng buồn hơn là chuyện này lại không phải hiếm. Suốt gần bốn mươi năm cuộc đời, tôi đã nghe không biết nhiêu câu từ tiêu cực như thế, thậm chí từ chính những người thân của đứa trẻ.
- Bé tí mà đã đầu gấu thế này thì lớn lên có mà thành tướng cướp. - Nói dối như cuội! - Lười như hủi! - Đồ khó bảo, mặt mũi suốt ngày chỉ câng câng lên. - Con với cái láo toét, chỉ cãi giả là giỏi. - Tao đập mày một trận bây giờ!
Tôi tự hỏi: bạn đang nói với con mình hay kẻ thù không đội trời chung vậy?
Chắc lúc đó bạn đã quên mất cái ngày cả gia đình rưng rưng vui sướng khi biết tin một thiên thần nhỏ sắp chào đời. Bào thai ấy được nâng niu, chăm bẵm suốt chín tháng mười ngày, và rồi tất cả vỡ òa trong hạnh phúc khi nghe những tiếng khóc đầu tiên. Khoảnh khắc ấy, tất cả cảm xúc của bạn nằm gọn trong sự biết ơn cuộc đời và mong ước đứa bé sẽ khoẻ mạnh, sống đời an nhiên. Nhưng rồi hành trình nuôi lớn một con người chông gai hơn bạn tưởng. Bạn dần mất bình tĩnh trước những trận ăn vạ, những lời nói dối và đủ mọi rắc rối khác từ sinh vật nhỏ kia. Đầu bạn bộn bề câu hỏi: tại sao mình lại có một đứa con bất trị như vậy? tại sao mình nuôi con vất vả nhường này?
Bạn biết không...
Trong con mắt của đứa trẻ hai tuổi chỉ có bản thân nó. Nó không thể hiểu được thế nào là đúng - sai. Nó chỉ hành động theo bản năng mà không biết mình làm đau người khác như thế nào.
Đứa trẻ năm tuổi vẫn mè nheo đòi hỏi người lớn giúp đỡ những điều nó hoàn toàn có thể tự làm, chỉ vì nó muốn có cảm giác được yêu thương, được quan tâm.
Đứa trẻ bảy tuổi nói dối có khi chỉ vì nó muốn được an toàn, nó sợ sự bất đồng giữa ý muốn của mình và quan điểm của bố mẹ, nó sợ cơn thịnh nộ.
Sự ương ngạnh của đứa trẻ chín tuổi có thể là kết quả từ chính cách hành xử thiếu hợp lý của cha mẹ trong suốt những năm đầu đời.
Và đứa trẻ mười lăm tuổi thực hiện những hành vi ngổ ngáo chỉ bởi nó khao khát thể hiện mình. Nó muốn làm một cái gì đó ấn tượng trong mắt người khác, nhưng nó lại chưa là gì. Vậy nên nó tìm đến cách thể hiện cực đoan nhất để được chú ý.
Bạn thấy đấy, tất cả những gì bạn cho là xấu, là tiêu cực, thực chất đều có nguyên nhân. Trong “cuộc chiến” giữa cha mẹ và con cái, không bên nào thắng cuộc. Tất cả đều là kẻ bại trận nếu giữa họ thiếu đi sự cảm thông cũng như kết nối với nhau. Bạn cảm thấy đau khổ, dằn vặt thì đứa trẻ cũng không khá hơn bạn. Trẻ thậm chí còn cảm thấy khó khăn hơn vì chúng chưa đủ trưởng thành và từng trải bằng bạn.
Hãy hồi tưởng về thời thơ ấu và tuổi thanh thiếu niên của chúng ta một chút. Chẳng phải ai cũng đều có những khoảnh khắc giận dỗi, trách móc, bất hòa với cha mẹ mình hay sao? Mãi sau này khi làm cha mẹ, chúng ta mới phần nào thấu hiểu nỗi lòng của những đấng sinh thành. Bạn từng là trẻ con nhưng con bạn thì chưa từng là người lớn. Hãy dành cho chúng một sự công bằng trong chuyện này.
Hầu hết mọi đứa trẻ đều đã có lúc ăn vạ, mè nheo, nói dối, chống đối, trả treo… Đó là những hành vi bình thường. Bạn có thể thấy khó chịu, bất an, nhưng bạn cần chấp nhận. Và, bởi vì trẻ chưa thể kiểm soát được hành vi, nên chúng mới cần được hỗ trợ, chỉ bảo. Đó là lý do chúng cần bạn. Đây là lúc vai trò làm cha mẹ của bạn thể hiện rõ rệt nhất.
Con cần được lắng nghe và thấu hiểu! Con cần được kết nối! Con cần không gian và thời gian! Con cần được trao cơ hội trải nghiệm! Con cần được tin tưởng! Con không muốn bị chỉ trích và miệt thị! Con không muốn bị phán xét, “dán nhãn”! Con không muốn bị đánh…
Muốn con làm một người tốt, trước tiên phải dừng mọi suy nghĩ xấu về chúng. Xin đừng bao giờ quên, đứa trẻ đó là con của bạn, là một phần máu thịt của bạn, chúng không phải kẻ thù, và giữa bạn với chúng cũng không đáng có cuộc chiến nào cả.