top of page

Những nguyên nhân đằng sau hành vi bắt nạt

Updated: Jun 29, 2022


Ở bài trước mình đã chia sẻ một số thông tin để các cha mẹ hiểu chính xác hơn về bắt nạt, nhằm phân biệt giữa bắt nạt thực sự với hành vi hung hăng thông thường. Hôm nay mình xin tiếp tục trao đổi về các nguyên nhân dẫn đến bắt nạt.


YẾU TỐ BẠN BÈ:


Trẻ thực hiện bắt nạt để đạt hoặc duy trì quyền lực, nâng cao vị thế trong một nhóm. Như đã đề cập ở bài trước, từ giai đoạn tiểu học, trẻ dần nhận ra mình có thể gây ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh bằng hành vi. Việc khiến ai đó phải nể sợ làm cho trẻ cảm thấy bản thân thật “uy quyền”. Bởi vậy, trẻ thực hiện bắt nạt như một công cụ để đạt hoặc duy trì vị thế của mình trong mối quan hệ bạn bè.

Trẻ muốn thể hiện lòng trung thành và hòa hợp với nhóm bạn của chúng. Bản thân trẻ có thể không muốn bắt nạt, nhưng trẻ lại chơi trong một nhóm và buộc phải hành động theo các bạn để bản thân mình không bị lạc lõng, hay tồi tệ hơn là có thể trở thành nạn nhân nếu làm "mếch lòng" tập thể.


Để loại trừ những trẻ khác ra khỏi nhóm nhằm khẳng định ai là thành viên và ai không thuộc về. Trẻ kết bè phái thành những hội nhóm, và trong quá trình duy trì hội nhóm của mình, đôi khi trẻ dùng cách bắt nạt để loại ra thành viên không phù hợp.


Để kiểm soát hành động của bạn bè. Khi trẻ đã đạt được một vị thế cao hơn bạn bè trong cộng đồng, trẻ phát sinh nhu cầu duy trì và củng cố vị thế đó. Bắt nạt là cách trẻ dùng để ép buộc người khác phải hành xử theo ý mình, có lợi cho mình.


TRONG GIA ĐÌNH

Trẻ đến từ những gia đình thường xuyên xảy ra hành động bắt nạt, gây gổ hoặc bạo lực giữa các thành viên (bố mẹ xô xát, bố mẹ trừng phạt con cái theo cách tiêu cực, anh chị em dùng bạo lực với nhau v.v…).


Trẻ không nhận được sự hỗ trợ về cảm xúc và giao tiếp từ người chăm sóc. Ở lứa tuổi hình thành nhân cách (0-6), trẻ phải đấu tranh với những cảm xúc và nhu cầu hết sức tự nhiên. Nếu người chăm sóc không có sự tinh tế để nhận ra khó khăn khiến trẻ đang cần được giúp đỡ, thiếu sự thấu hiểu, thiếu kỹ năng xử lý cũng như các giao tiếp tích cực với trẻ... thì trong tương lai, trẻ dễ cô đơn, bối rối, không biết kiềm chế kiềm xúc và có hành vi sai lệch.

Trẻ có cha mẹ hoặc người chăm sóc hành xử một cách độc đoán hoặc phản xạ mang tính đối phó với trẻ. Sự áp đặt nhận được thuở ấu thơ khiến trẻ nhận ra bạo lực là cách kiểm soát và lèo lái vấn đề theo ý mình nhanh nhất. Những người lớn đã dùng quyền lực để buộc trẻ phải nghe lời mà không cần quan tâm đến cảm xúc hay lý lẽ, hậu quả là lớn lên trẻ sẽ có xu hướng áp dụng chính điều này cho mục đích riêng của mình thông qua hành vi bắt nạt.


Trẻ có thể đến từ những gia đình mà người lớn quá nuông chiều hoặc cha mẹ có ảnh hưởng yếu đến cuộc sống của trẻ. Ngược lại với sự độc đoán, trẻ được nuông chiều quá mức đã quen với việc dễ dàng được đáp ứng mọi yêu cầu dù là không phù hợp. Bước chân ra xã hội, trẻ vẫn mang theo tư tưởng cần được phục tùng và đáp ứng, trẻ thực hiện bắt nạt để duy trì nhu cầu này.


NHÀ TRƯỜNG

Trẻ có thể theo học tại những trường mà các vấn đề về đạo đức và bắt nạt không được giải quyết đúng cách. Khi những người lớn trong trường học (ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên…) không có ý thức cũng như tinh thần loại trừ bắt nạt trong ngôi trường của mình, họ đã vô tình cổ súy cho bắt nạt.


Trẻ có thể bị tẩy chay, không được chấp nhận, hoặc bị kỳ thị ở trường. Một đứa trẻ có thể sẽ gặp rắc rối nếu mang một đặc điểm khác biết so với phần đông các trẻ còn lại (ngoại hình, tính cách, xu hướng tính dục….); hoặc trẻ bị loại trừ vì một sự việc nào đó khiến tập thể không hài lòng.


Mọi đứa trẻ liên quan đến bắt nạt trong vai trò là nạn nhân, thủ phạm, hay người chứng kiến, đều cần được hỗ trợ từ gia đình, trường học và cộng đồng để tránh nhận thức lệnh lạc về đạo đức và hành vi, cũng như những hậu quả từ tổn thương tinh thần về lâu dài.


YẾU TỐ CẢM XÚC VÀ TINH THẦN

Trẻ có thể đã bị bắt nạt trong quá khứ hoặc hiện tại. Việc bị bắt nạt khiến tâm lý trẻ bị tổn thương, và trong nhiều cách đối phó với tình trạng của bản thân, trẻ đã chọn cách trở thành kẻ bắt nạt để tự bảo vệ mình trước tổn thương.

Vì cảm giác không an toàn và tự ti nên trẻ bắt nạt để khiến bản thân cảm thấy mình có quyền lực hơn. Việc không cảm nhận được an toàn gây khó khăn cho việc xây dựng sự tự tin nội tại của trẻ, do đó trẻ phải đi tìm sự tự tin từ bên ngoài bằng cách bắt nạt. Sự phục tùng từ nạn nhân khiến trẻ cảm thấy mình có uy lực, hành động của mình có giá trị (dù là giá trị tiêu cực) – cảm giác này cho trẻ sự tự tin nhất thời. Nhưng rất tiếc, tự tin đến từ bên ngoài không bền vững. Để duy trì, trẻ cần tiếp tục hành vi bắt nạt.


Trẻ không thấu hiểu cảm xúc của người khác. Khi đó, trẻ không đủ nhận thức cũng như lòng trắc ẩn để thấu hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh, câu chuyện của mỗi người. Trẻ đơn giản chỉ cảm thấy bạn khác mình, không hợp thế giới quan và nhân sinh quan của mình, trẻ sinh ra kỳ thị và hình thành ý định ngược đãi đối tượng không hòa hợp đó bằng hành vi bắt nạt.

Không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình nên trẻ trút sự khó chịu lên người khác. Khi ở lứa tuổi nhỏ, những cơn tantrum (ăn vạ) xảy ra và có thể trẻ đã không được hướng dẫn cách xử lý cảm xúc thấu đáo. Vì vậy mà bước sang độ tuổi lớn hơn, trẻ vẫn loay hoay mỗi khi đối mặt với cảm xúc khó chịu. Trút giận lên người khác là một trong những cách trẻ áp dụng để giải tỏa.


Tương tự như vậy, việc không được trang bị những kỹ năng xử lý các tình huống xã hội theo cách lành mạnh và tích cực ngay từ khi còn nhỏ cũng là nguyên nhân dẫn đến bắt nạt.


Qua đó, cha mẹ có thể thấy rằng các nguyên nhân nội tại ẩn sau hành vi bắt nạt hoàn toàn có thể được ngăn chặn ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ. Hãy dành cho con sự quan tâm và đồng hành đúng mực để kịp thời giúp chúng giải quyết những khó khăn của bản thân, đồng thời hướng dẫn và trang bị cho chúng những kỹ năng cần thiết để có thể tự tin bước ra cuộc sống trong tâm thế của một con người nhân văn, tự tin.


Nếu đứa trẻ của bạn trót gặp phải các vấn đề trên vì lý do không mong muốn nào đó, bên cạnh sự đồng hành của cha mẹ, việc tìm đến những hỗ trợ về mặt y khoa cũng là một gợi ý hữu ích. LỜI KẾT

Cha mẹ, cố vấn học đường, giáo viên và các chuyên gia sức khỏe tâm thần cần theo dõi, giáo dục theo cách tích cực đối với những trẻ bắt nạt để giúp chúng phát triển các mối quan hệ lành mạnh trong trường học và bạn bè, cũng như học các kỹ năng xã hội và tình cảm.


Với trẻ bị bắt nạt, hãy bảo vệ, trấn an, chia sẻ và củng cố tinh thần để trẻ thoát khỏi những ám ảnh tiêu cực từ bắt nạt, giúp trẻ tự tin, mạnh mẽ hơn. Và ngay cả với những trẻ chỉ đóng vai trò là người chứng kiến, hãy luôn chú trọng giáo dục nhận thức để trẻ nhận ra đó là hành vi sai trái, không được chấp nhận, cần bị lên án, bài trừ; cha mẹ đừng vì thấy con mình không phải nạn nhân hay thủ phạm mà coi nhẹ nhiệm vụ giáo dục này.


Xem lại bài viết 'Hiểu đúng về bắt nạt' tại đây

4 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page