[Montesori] SỰ THẬT VỀ QUAN NIỆM ‘NGU SI TỨ CHI PHÁT TRIỂN’ – VAI TRÒ CỦA VẬN ĐỘNG ĐỐI VỚI CON NGƯỜI
Updated: Jun 27, 2021

Các bố mẹ chắc đã từng nghe câu “đầu óc ngu si thì tứ chi phát triển”chưa? Với mình, đó là một câu nói thiển cận nhằm hạ thấp vai trò của vận động mang tính thể chất so với các hoạt động (được cho là) thuộc về trí não. Bài viết của mình hôm nay sẽ cung cấp thông tin đúng đắn về vai trò của các cơ bắp theo triết lý Montessori nhé.
Cấu tạo của hệ thần kinh và mối quan hệ giữa các bộ phận
Như chúng ta đã biết, hệ thần kinh bao gồm các bộ phận: não, cơ quan cảm giác, các dây thần kinh và cơ bắp. Đầu tiên, các cơ quan cảm giác tiếp thu tín hiệu rồi chuyển lên não, não xử lý rồi truyền chỉ đạo đến cơ bắp qua các dây thần kinh.Do đó, vận động chính là kết quả của hệ thần kinh. Vận động cũng là cách mà một cá nhân thể hiện mình với cộng đồng, thông qua vận động, họ cho mọi người thấy mình là ai, mình có thể làm gì.
Những quan niệm sai lầm về vận động
Trong quá khứ, vai trò của vận động chưa được đánh giá đúng mực, điều này thể hiện rõ nhất trong môi trường lớp học, nơi mà giáo dục thể chất bị coi là ‘môn phụ’, học sinh ít có cơ hội được tham gia vận động dưới nhiều hình thức (các tiết thể dục, hoạt động hướng đạo, tham gia lao động tạo ra sản phẩm…). Bên cạnh đó, người trưởng thành cũng cho rằng các hoạt động của cơ bắp chỉ là phương tiện hỗ trợ cho toàn bộ thể chất. Khái niệm về vận động trong mắt của nhiều người đa phần là việc tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể với mong ước một sức khỏe vẹn toàn. Việc này được ví như mang nhân vật chính xếp vào hàng nhân vật phụ vậy. Điều đó cũng có nghĩa là con người đã tách riêng hai thứ mà thực chất chúng gắn liền với nhau.
Maria Montessori cho rằng: nếu chúng ta đặt đời sống vật chất một bên và đời sống tinh thần ở một bên, chúng ta sẽ phá hủy vòng tuần hoàn của các mối quan hệ, và những hoạt động của con người sẽ mãi tách biệt khỏi bộ não. Những hoạt động vận động của con người được sử dụng để hỗ trợ cho việc ăn uống và hít thở được tốt hơn, trong khi mục đích thật sự của vận động là phục vụ cho toàn bộ cuộc sống và cho nền kinh tế toàn cầu, tinh thần của thế giới.
Nghe đến đây chắc nhiều người trong chúng ta mới giật mình ngẫm lại. Phải rồi, nhiệm vụ của cơ bắp đâu chỉ bó hẹp trong việc hít thở và nhai, hay các bài tập ở phòng gym, những cuộc đi dạo sau bữa tối để nhằm tiêu hóa và dễ ngủ. Vận động còn là lao động trong công việc hàng ngày. Người ta nghĩ một bậc học giả hay nhà nghiên cứu là lao động trí óc, chỉ sử dụng trí óc chứ ít dùng chân tay. Nhưng thực chất, nếu không có cơ bắp, làm sao họ có thể nói ra các ý tưởng phát minh của mình, hay là viết (đánh máy) về chúng. Tư duy và vận động là một vòng tuần hoàn liên tiếp, không thể bị tách rời. Thậm chí, vận động còn được Montessori cho là “sự biểu đạt có phần cao cấp hơn” nữa.
Hiểu đúng về tầm quan trọng của vận động – Tại sao con người cần không ngừng lao động
Nếu không có sự đóng góp của vận động, trí tuệ sẽ không thể phát triển. Để minh chứng cho điều này, chúng ta cùng quay lại câu chuyện khuynh hướng hành vi của con người một chút. Thời tiền sử, loài người sống hoang dã, ban đầu họ kiếm ăn bằng cách hái, lượm trái cây. Trong quá trình kiếm ăn hàng ngày, họ phát hiện ra thịt thú vật cũng có thể là thức ăn. Họ lại đi khắp nơi tìm xác những con vật bị kẻ thù tự nhiên tiêu diệt. Nhờ việc đi lại liên tục với mục đích tìm cái ăn và quan sát, con người nhận ra mình có thể chủ động kiếm thức ăn từ động vật và bắt đầu thực hiện hành vi săn bắn. Qua mỗi lần đi săn, con người lại quan sát và ghi nhận phản xạ từ con thú, dùng trí óc tưởng tượng ra những phản ứng, tìm cách xử lý, đem ra thực hành, tiếp tục ghi nhận kết quả và nghĩ cách khắc phục, rồi lại thực hành…. Chu trình lặp đi lặp lại đó chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trí óc và cơ bắp. Rồi người tiền sử bắt đầu tạo ra vũ khí và công cụ để phục vụ cho đời sống của mình. Sau mỗi bài học, vũ khí và công cụ lại được cải tạo để ưu việt hơn, hiệu quả hơn.Từ quá trình tiến hóa của người tiền sử, chúng ta có thể thấy rõ: nếu không nhờ hoạt động cơ bắp, họ không thể đứng lên và đi khắp nơi tìm cái ăn, họ không thể rút những bài học sinh tồn nếu không lăn xả vào công cuộc lao động để tìm thực phẩm nuôi thân, và họ cũng không thể có cơ sở để tư duy ra các phát minh giúp cải thiện cuộc sống nếu không có sự thực hành của vận động.Tương tự đối với đứa trẻ. Đứa trẻ cần được vận động một cách thoải mái và tự do. Lớp học Montessori luôn được bố trí bằng những giá kệ vừa tầm, trên đó bày các giáo cụ để hàng ngày em bé có thể sử dụng và làm các hoạt động lặp đi lặp lại bao nhiều lần tùy ý, cho đến khi đôi tay thuần thục. Em bé cũng cần được tạo điều kiện để vui chơi thỏa thích, nhất là các hoạt động ngoài trời. Khám phá thiên nhiên và môi trường xung quanh giúp em bé hiểu về thế giới của chính mình. Cảm nhận mình là một phần của vũ trụ – vũ trụ là nhà, em bé sẽ tự tin hơn trong cuộc sống. Nếu bị ngăn cản hoặc hạn chế vận động, bộ não của em bé sẽ không được cung cấp những ấn tượng từ môi trường. Khi đó, não của em vẫn phát triển nhưng bị tách rời với hoạt động cơ bắp, không hiện thực hóa được những tưởng tượng giúp các em rút ra bài học trí tuệ của riêng mình, và bộ não cũng bị ngăn cản thực hiện chức năng chỉ đạo hành vi đúng mực. Ví dụ: em bé sẽ không thể luyện được tay cầm thìa và bát để tập ăn uống gọn gàng nếu người lớn chỉ chăm chăm đút cho em.Và một điều quan trọng nữa các bố mẹ cần phải nhớ, đó là: vận động giúp đời sống tâm lý ổn định hơn. Như phần đầu đã đề cập, con người thể hiện bản thân qua vận động. Tâm lý con người chứa đựng cả một tập hợp khổng lồ những vận động. Nếu các cơ bắp không được hoạt động, đời sống tâm lý sẽ lâm nguy do không được bồi đắp bằng những ấn tượng giúp hình thành lên ý thức.
Lời kết
Tin tốt là ngày nay, các bậc phụ huynh và những người làm giáo dục đã hiểu hơn về tầm quan trọng của vận động/lao động đối với đời sống và tạo nhiều điều kiện để trẻ được hoạt động thể chất hàng ngày. Bố mẹ hãy để các em bé được tự do vui chơi, nhất là vui chơi ngoài trời trong điều kiện thời tiết phù hợp. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích trẻ tham gia làm việc nhà cũng như các hoạt động cá nhân, tự chăm sóc bản thân. Đừng ngại một chiếc quần lót vẫn còn dính bẩn vì em bé đang trong quá trình học cách tự vệ sinh sau khi poo-poo (đại tiện) nhé