top of page

Tài sản của con phải thực sự thuộc về con

Updated: Jun 29, 2022


Hồi mình còn bé, bố đi lao động nước ngoài và gửi về cho mình một con búp bê mắt xanh tóc vàng. Mình mê mẩn nó lắm, nhưng vì con búp bê là thứ rất quý hiếm thời đó, thành ra người lớn cất và tủ, lâu lâu cho mình chơi tầm 15-20 phút rồi lại cất đi, mình không được làm gì hư hại đến búp bê dù chỉ là rụng một sợi tóc. Khoảnh khắc được chơi với nó thiêng liêng lắm.


Có một thời gian Đậu mê Ponies. Ai cũng biết nó thích Ponies nên sinh nhật tặng rất nhiều, chưa kể ngày nào đi học về qua My Kingdom nó cũng (tỏ ra) tần ngần đứng ngắm lâu thiệc là lâu để cho bố (hoặc bà) phải cảm động... Kết quả là nó một bộ sưu tập Ponies “trẹo đô”.


Nhưng nó không dừng lại ở việc nâng niu, gìn giữ tài sản “quý giá” này mà lại mang ra biến hoá với đủ thao tác: lấy màu vẽ lên để đổi màu da, màu mắt, cosplay cho các bạn Ponies, rồi mùa hè đến nên mang các bạn ra “cắt tóc cho mát” vân vân mây mây. Mình cũng hơi xót của nên bảo nó là:”Mẹ nghĩ làm thế các bạn xấu đi đấy”. Nó tỉnh bơ đáp lại:”Nhưng em thấy đẹp mà.” Cũng có lúc nó lịch sự chạy ra hỏi:”mẹ ơi, có được tô màu bạn này thành màu hồng cho đẹp ko?”


“Em thấy thế là đẹp à?”

“Ừm, đẹp mà.”

“Vậy thì tuỳ em thôi. Đồ của em mà.”


Mình luôn nhấn mạnh với nó rằng “đó là đồ của em” để nó hiểu rằng mình tôn trọng nó và quyền sở hữu của nó. Đồ mình mua cho con hoàn toàn thuộc về chúng, không nên can thiệp. Con có thể chọn cách giữ gìn như báu vật, nhưng cũng có thể đem ra mổ xẻ để khám phá cấu tạo bên trong, hoặc mang ra sáng tạo đủ kiểu để thỏa mãn thẩm mỹ. Đó là quyền của con. Nếu mình không sẵn sàng chấp nhận cách xử lý của nó, mình sẽ không mua.


Khi cân nhắc mua đồ chơi cho con, mình tự hỏi bản thân: mục đích mình mua đồ chơi cho con để làm gì? Nếu câu trả lời là “để phục vụ cho niềm vui của con” thì mình cần để chúng được chơi theo cách làm chúng vui nhất, và chấp nhận rằng có thể chúng vui nhưng mình không vui. Thực sự là nhìn cảnh những món đồ chơi đẹp đẽ trở nên lanh tanh bành cũng dễ lên cơn đau tym lắm, nhưng mình nghĩ thế này:


Trao cho con quyền được tự quyết định sử dụng với đồ đạc khiến chúng cảm thấy được tôn trọng, rằng bố mẹ coi mình là một cá thể ngang hàng, bình đẳng. Em bé sẽ cảm thấy tự tin hơn, thoải mái, sáng tạo hơn rất nhiều khi được thoả mãn trí tò mò và thử nghiệm những ý tưởng. Các bố mẹ hầu như đều khó chịu với nhân vật “chị Thơ Nguyễn” phải không ạ? Nhưng đã bao giờ mọi người tự hỏi lý do lũ trẻ mê mẩn Thơ Nguyễn chưa? Mình đoán rằng phần nhiều là vì chúng được thoả mãn trí tò mò từ những clip bị coi là “xàm xí” đó. Người lớn thấy xàm nhưng những video clip lại đánh trúng tâm lý trẻ em, gần gũi với những ý tưởng “điên rồ” phát sinh trong cái đầu nhỏ bé ngập tràn trí tưởng tượng và khao khát được khám phá cuộc sống của chúng, có thể đó cũng là những việc mà chúng ao ước được làm thử chỉ để “xem nó ra làm sao”.


Bố mẹ có thể muốn con học được cách giữ gìn, bảo quản tài sản. OK, chúng ta hãy đưa ra quy định giữ gìn đối với những tài sản chung của cả gia đình, mọi người phải cùng tuân thủ. Nhưng đã là tài sản thuộc về cá nhân, mình vẫn ủng hộ quan điểm là phải để cá nhân tự do sử dụng. Mình mua đồ chơi cho con nhưng lại bắt phải chơi theo ý mình, thì hóa ra lại thành mình cho con mượn sao? Có nhiều cách để gợi ý, “lèo lái” con dùng đồ giữ gìn hơn, bố mẹ có thể áp dụng linh hoạt, mang tính khuyến khích. Nhưng xin hãy nhớ, mua/trao cho con là quyết định của bố mẹ, còn sử dụng thế nào thì là quyền của con nhé. Trẻ không mượn đồ chơi từ bố mẹ nên chúng không nhất thiết phải chơi theo cách bố mẹ yêu cầu đâu.


À mà, kinh nghiệm của mình là hãy mua những đồ chơi “nồi đồng cối đá” (Lego, đồ chơi gỗ...) để dùng cho lâu, và mua ít thôi nhá :)) Mình thích trưng dụng đủ thứ vỏ hộp, lõi giấy vệ sinh để nó tha hồ vẽ vời, bôi trát (chỉ có bố với bà chiều quá nên hay mua đủ thứ nó yêu sách thôi.)


P/s: Hồi bé, mình luôn ấp ủ một dự định là sẽ bỏ nước, dầu ăn, nước mắm (tóm lại là đủ các thứ chất lỏng) vào ngăn đá tủ lạnh xem chúng đông lại thì như thế nào. Tất nhiên là không bao giờ được thử, lúc có thể thử thì đã lớn mất rồi.



47 views1 comment

Recent Posts

See All
bottom of page