top of page

Tại sao con chúng ta nói dối?

Updated: Apr 1, 2022



Khi phát hiện ra đứa con yêu quý của mình nói dối hoặc có hành vi thiếu trung thực, phần đông cha mẹ cảm thấy thất vọng và bối rối. Trong đầu chúng ta có thể lập tức nảy sinh hàng loạt suy diễn liên quan đến động cơ của con như: nói dối để đạt được mục đích, nói dối để thoái thác khỏi điều chúng không thích làm v.v… Có thể những giả thuyết đó đúng. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ nói dối mà cha mẹ cần biết để thêm thấu hiểu con mình.


1. Trẻ muốn thử nghiệm một hành vi mới Theo Tiến sỹ Matthew Rouse – Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng của Viện Tâm Trí Trẻ Em (Mỹ) - một lý do khiến trẻ nói dối là vì chúng khám phá ra ý tưởng mới lạ nào đó và khao khát muốn thử nghiệm. Việc này tương tự như mọi hành vi khác (ném đồ ăn, đánh bố mẹ, nghịch nước trong nhà tắm…) để xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta cần nhớ rằng đứa trẻ luôn đi trên hành trình khám phá và tìm hiểu mọi thứ để hình thành nhận thức. Trước khi hoàn toàn trưởng thành, chúng chưa có đầy đủ hiểu biết về mức độ đạo đức của hành vi. Nói dối là một trong những cách thử nghiệm của trẻ với cuộc sống.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể nói dối để thăm dò phản ứng của bố mẹ và lấy đó làm cơ sở cho hành động tiếp theo.


2. Trẻ thiếu tự tin và có nhu cầu được ghi nhận Trẻ thiếu tự tin có thể nói những lời nói dối hoành tráng để khiến bản thân có vẻ ấn tượng hơn, đặc biệt hơn hoặc khiến người khác nghĩ mình có tài năng nhằm nâng cao tự tôn; hoặc làm cho hình ảnh bản thân đẹp hơn trong mắt người khác.


3. Gây sự chú ý Có những em bé thích trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, và một trong những cách chúng áp dụng là bịa chuyện không có thật hoặc nói quá mọi chi tiết. Cũng có lúc, trẻ chỉ muốn thêm thắt các tình tiết gay cấn để làm câu chuyện của mình hấp dẫn hơn.


4. Tránh bị chú ý Ngược lại với gây sự chú ý, có những trẻ không thích bị chú ý quá nhiều. Theo Tiến sỹ Rouse, một số trẻ có thể nói dối về tình trạng thực sự của mình để tránh bị chú ý hoặc làm người thân lo lắng, chẳng hạn như việc chúng bị bắt nạt ở trường, lo sợ về kỳ thi, hoặc những rối loạn về thể chất như mất ngủ, ăn không ngon v.v...


5. Nói trước khi nghĩ, hoặc bị ảnh hưởng bởi trí tưởng tượng quá nhiều Tiến sĩ Carol Brady, Chuyên gia tâm lý học lâm sàng và là tác giả của một chuyên mục thường xuyên trên tạp chí ADDitude - người đã tiếp xúc với rất nhiều trẻ em mắc chứng ADHD - nói rằng trẻ có thể nói dối vì bốc đồng.

“Một trong những đặc điểm nổi bật của kiểu ADHD bốc đồng là trẻ nói trước khi suy nghĩ”.

Đôi khi, trẻ thực sự có thể tin vào tưởng tượng của chính mình rằng chúng đã làm việc gì đó, và kể như thể đó là sự thật. Nhưng người lớn chỉ đơn giản kết luận rằng trẻ nói dối.


6. White Lie - Những lời nói dối không gây hại Chúng ta phải thừa nhận, đôi khi chính người lớn đã khuyến khích trẻ phải nói những lời white-lie để mang lại cảm xúc dễ chịu hay tránh làm tổn thương cho ai đó. Ví dụ: buộc trẻ khen thức ăn ngon, nói yêu với ông bà ở xa dù trẻ chưa được kết nối tình cảm đầy đủ v.v… Trong trường hợp này, việc sử dụng white-lie lại thuộc về kỹ năng xã hội của trẻ nhiều hơn khía cạnh đạo đức. ————— Chúng ta đều không muốn con mình nói dối, nhưng sự thật thì nói dối cũng là một phần của quá trình phát triển. Cha mẹ cần hướng dẫn, trau dồi cho con ý nghĩa của sự trung thực ngay từ lứa tuổi nhỏ để giúp trẻ định hướng hành vi của mình.

Tuy nhiên, người lớn cũng cần hết sức khéo léo và tế nhị để các em bé được bảo toàn sự tự tôn, tự tin, và tránh được cảm giác bối rối trước vấn đề mang tính đạo đức này.


-Nhung @todayisapresent-


5 views0 comments
bottom of page