Tự tin vs. Kiêu ngạo
Updated: Jun 29, 2022

Thời gian qua nhóm An Nhiên Làm Mẹ - Ươm Mầm Yêu Thương của bọn mình nhận được một số câu hỏi liên quan đến việc xây dựng sự tự tin ở trẻ. Nuôi dưỡng sự tự tin cho con là một trong những mong mỏi của bất kỳ cha mẹ nào. Đây là yếu tố vô cùng cần thiết để đứa trẻ có thể vững vàng bước ra cuộc sống. Tuy nhiên, tự tin đôi khi bị nhầm lẫn với tính kiêu ngạo.
Vậy làm thế nào để phân biệt giữa tự tin và kiêu ngạo? Và chúng ta nên làm gì để giúp con xây dựng sự tự tin, đồng thời tránh trở thành một kẻ kiêu ngạo?
Stewart Stafford, tác giả của ‘The Vorbing’ đã viết:
"Tự tin là khi bạn tin vào bản thân và khả năng của mình, kiêu ngạo là khi bạn cho rằng mình giỏi hơn người khác và cư xử theo lối suy nghĩ đó. Bạn có thể tin rằng kiêu ngạo là một sự tự tin sai lầm và người kiêu ngạo chỉ đang cố bù đắp một cách thái quá cho những thiếu sót bên trong họ."
NHỮNG KHÁC BIỆT GIỮA TỰ TIN VÀ KIÊU NGẠO
Người kiêu ngạo là những người thiếu sự bình yên từ bên trong nên dễ cảm thấy bất an. Họ cũng rất sợ thua cuộc. Với họ, chiến thắng và được tung hô là cách duy nhất để khẳng định bản thân. Vì thiếu tự tin mà người kiêu ngạo dễ xấu hổ, tự ái hơn trước những phê bình bởi họ cảm thấy bị đe dọa và cần phải bảo vệ bản ngã mong manh của mình. Biểu hiện kiêu ngạo phổ biến là phủ định/gạt bỏ cảm xúc của người khác; hoặc khoe khoang để nhận những lời khen. Người kiêu ngạo đặt bản thân lên trên hết, chỉ coi những điều họ nói, việc họ làm là đúng nên họ cũng không dễ phối hợp khi làm việc nhóm.
Người tự tin sở hữu bình yên từ bên trong nên thường cảm thấy an toàn. Họ không xem người khác - thậm chí cả đối thủ cạnh tranh với mình - là mối lo ngại. Họ chăm chỉ làm viêc để gặt hái thành công bằng thực lực. Họ hiểu rõ ưu điểm và hạn chế của bản thân, họ có lòng tự trọng thực sự và nghiêm túc xem xét cũng như phân tích để cải thiện chính mình thành phiên bản tốt hơn. Người tự tin cũng tin tưởng, quan tâm đến người khác, phối hợp tốt khi làm việc nhóm và biết trân trọng nỗ lực của tập thể.
NUÔI DƯỠNG SỰ TỰ TIN Ở TRẺ VÀ TRÁNH CÁI BẪY KIÊU NGẠO
Từ đặc điểm của người tự tin và người kiêu ngạo, chúng ta có thể liên hệ đến một số ý tưởng để giúp trẻ hình thành sự tự tin và tránh được thói kiêu ngạo.
Tôn trọng cảm xúc của trẻ
Sự tự tin bền vững nhất được hình thành từ bên trong, hoàn toàn chân thật và không thể giả tạo. Cảm xúc chính là biểu hiện thật nhất của con người. Để trẻ xây đắp sự tự tin, trước hết người lớn cần tôn trọng mọi cảm xúc của trẻ cho dù đó là buồn, vui hay giận dữ. Nếu chúng ta phủ nhận hoặc lờ đi, trẻ cũng sẽ có xu hướng phủ nhận cảm xúc của chính mình. Nhưng đáng tiếc, tổn thương sẽ không biến mất cùng sự lãng quên đó, mà thậm chí còn dồn nén và tích lũy vào các lần tiếp theo. Về lâu dài, điều này đem lại những hệ quả nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần.
Thấu hiểu và giúp trẻ vượt qua những cảm xúc khó chịu.
Sau khi chấp nhận và tôn trọng cảm xúc của trẻ, người lớn cần giúp trẻ vượt qua những cảm xúc khó chịu để vấn đề thực sự được giải quyết, tổn thương được xoa dịu. Qua quá trình đó, trẻ sẽ có thêm trải nghiệm, học được cách kiểm soát bản thân và vượt qua những khoảnh khắc khó khăn. Dần dần, trẻ thêm vững tin rằng mình thực sự có khả năng tự giải quyết được các vấn đề.
Trao cho con quyền tự quyết định, khuyến khích sự chủ động.
Trẻ sẽ không thể tự trang bị sự tự tin từ bên trong nếu người lớn luôn luôn can thiệp hay tác động vào quá trình tự xử lý của trẻ. Hãy tin tưởng rằng con bạn hoàn toàn biết được điều gì là tốt nhất với chúng, trao cho chúng quyền quyết định cũng khi khích lệ tinh thần chủ động trước những thử thách.
Khích lệ trẻ luôn nói sự thật, cho dù điều đó khác với số đông
Một cách khác để xây dựng sự tự tin là nói sự thật về suy nghĩ và cảm xúc của chính mình bằng thái độ lịch sự, tôn trọng đối phương. Hãy động viên con dũng cảm thổ lộ suy nghĩ riêng, bảo vệ chính kiến nếu con thực tin điều đó, ngay cả khi ý kiến của con có đi ngược lại đám đông.
Khích lệ sự nỗ lực, kiên trì, không bỏ cuộc.
Mọi thành công trên đời đều cần ba yếu tố: nỗ lực, kiên trì, không bỏ cuộc. Đó cũng là ba đặc tính phải xuất phát từ nội tâm mà không thể vay mượn ở bên ngoài, cha mẹ chỉ có thể giúp con vun đắp bằng cách khích lệ và tạo môi trường cho con trải nghiệm. Hãy luôn đồng hành để trao cho con sự động viên kịp thời nhất, truyền cảm hứng bằng những câu chuyện điển hình về thành công và đề cao toàn bộ quá trình con đã làm.
Dạy trẻ yêu bản thân, chấm dứt những suy nghĩ tiêu cực.
Yêu thương chính mình là điều không thể thiếu khi xây dựng sự tự tin. Hãy cho con biết rằng: hiểu và chấp nhận hạn chế cũng như sai lầm của bản thân không có nghĩa là tự nghĩ xấu về mình; luôn xem ưu điểm là động lực, sai lầm là bài học quý giá. Khi trẻ biết yêu bản thân, chúng cũng sẽ biết cách yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh, từ đó trẻ biết hòa đồng, làm việc nhóm tốt và tôn trọng tập thể.
Khen trẻ một cách hợp lý
Lời khen là thứ nuôi dưỡng tâm hồn đứa trẻ. Tuy nhiên, khen theo nhiều cách khác nhau lại dẫn đến các kết quả khác nhau.
Khen ngợi quá trình nỗ lực, sự chăm chỉ sẽ làm trẻ thêm trân trọng công sức của chính mình, đồng thời khiến trẻ tiếp tục giữ vững nhiệt huyết cho những công việc sau. Cách khen này cũng củng cố sự tự tin chân thật từ bên trong đứa trẻ.
Tập trung khen thành quả có thể làm trẻ chú ý quá mức và đề cao thành tích, cho rằng thành tích mới là thứ giúp chúng được ghi nhận. Từ đó trẻ có xu hướng trở thành kẻ kiêu ngạo trong men say của hào quang phù phiếm.
LỜI KẾT
Ngày nay chúng ta dễ dàng tìm thấy những thông tin đa dạng giúp cha mẹ định hướng con cái trở thành người tự tin. Tuy nhiên, sau tất cả, thứ trẻ học được nhiều nhất lại là phẩm chất của cha mẹ chúng. Bởi vậy, chính người lớn cũng phải tự trang bị sự tự tin thực sự cho bản thân mình trước khi kỳ vọng xây dựng sự tự tin ở con.