top of page

Thư gửi con!


“Gửi em bé!

Hôm nay con lại chơi game trong giờ học, và mẹ đã mời con ra khỏi lớp theo đúng quy định chúng ta đã thỏa thuận với nhau.

Đây là lần thứ ba con vi phạm. Mẹ từng giải thích với con rằng: các thầy cô đã mất thời gian và chất xám của họ để soạn bài giảng cho các con, việc dạy online khiến công việc của họ vất vả hơn nhiều so với học chính. Bởi vậy, nếu con thực sự yêu quý thầy cô, con cần trân trọng công sức của họ. Mặt khác, lớp học hay bất kỳ một tập thể nào cũng đều có quy tắc riêng, và một trong những quy định luôn được nhắc đi nhắc lại trong lớp chính là “không làm việc riêng”. Một khi đã tham gia vào tiết học, con không có cách nào khác ngoài việc tuân thủ. Nếu con chọn việc chơi, con hãy xin lỗi giáo viên và ra khỏi lớp.

Mẹ thừa nhận, việc này khiến mẹ rất tức giận. Mẹ trăn trở để tìm căn nguyên cho cơn giận của mình, cố gắng gọi tên chúng:

  • Mẹ thất vọng vì con đã vi phạm đến lần thứ ba, bất chấp những lời mẹ nói và hình thức kỷ luật của cô giáo là trừ điểm thi đua sau hai lần vi phạm trước.

  • Mẹ lo sợ con sẽ “quen mui” mà coi thường người lớn, coi thường phép tắc, xem nhẹ lòng tự trọng.

  • Từ sâu thẳm trong lòng, mẹ cảm thấy bị coi thường.

Nén cảm xúc hỗn loạn xuống, mẹ quan sát con thật kỹ, phân tích vấn đề thêm sâu và mẹ nhận ra mọi thứ không hẳn tệ đến thế. Tập trung hoàn toàn khi học online là điều khó với cả người lớn. Chính bản thân mẹ - người thường xuyên tham gia các khóa học online và e-learning - cũng không thể luôn luôn tập trung trong giờ học nên mẹ hiểu sự xao nhãng của con. Trong ba lần con vi phạm thì có hai tiết tiếng Việt và một tiết kỹ năng sống, công bằng mà nói thì đây là những tiết học không dễ để luôn duy trì sự hứng thú cao.

Con không phải đứa trẻ nghiện chơi game một cách bất chấp. Con thích chơi nhưng hoàn toàn không đến mức để ảnh hưởng quá nhiều đến học hành và sinh hoạt hàng ngày. Con vẫn tiếp thu kiến thức ở mức khá tốt, đạt yêu cầu của mẹ.

Con yêu lớp, yêu thầy cô, con lễ phép và nghe lời người lớn.

Và quan trọng nhất, con phạm lỗi vì nhu cầu rất bản năng là giải trí trong những phút chán chường. Thời điểm đó, chắc chắn con không có suy nghĩ hay ý định không tôn trọng mẹ. Con vẫn là đứa bé yêu mẹ thật nhiều.

Nhìn nhận vấn đề theo cách khách quan và toàn diện giúp mẹ nhẹ lòng và tỉnh táo hơn, mẹ cũng cởi trói cho tâm trạng của chính mình, xóa bỏ sự căng thẳng trong giao tiếp giữa hai mẹ con mình. Mẹ hạnh phúc vì mình đã đủ minh mẫn để tìm thấy lối thoát, mẹ biết ơn bản thân vì đã chọn tin tưởng sự tốt đẹp trong con.

Mẹ cũng mong con hiểu, cho dù mẹ có cảm thông với sự chán chường mà con phải chịu trong việc học online, nhưng mẹ cũng không thể đồng ý với hành động thiếu tôn trọng lớp học. Bởi vậy, mẹ vẫn sẽ áp dụng kỷ luật với con nếu con vi phạm. Kiến thức là quan trọng, nhưng để con học nguyên tắc làm người tử tế còn quan trọng hơn.

Yêu con!”


Đây là lá thư mình gửi cho đứa con 9 tuổi của mình sau sự việc bé chơi game trong giờ học online. Mình quyết định chia sẻ vì có thể câu chuyện sẽ gợi ý cho các mẹ một ý tưởng gì đó trong việc xác định tinh thần ở nhà cùng con mùa dịch.


Điều làm mình bất ngờ là bức thư nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ mọi người, và đại diện của báo Afamily cũng liên lạc với mình đề nghị đăng bài vì chị cho rằng thông điệp này cần được lan toả nhiều hơn trong bối cảnh các con phải học ở nhà trong một thời gian quá dài vì dịch bệnh.


Về phần con mình, sau khi nhận lá thư thì ngoài mặt tỏ ra bình thường, nhưng có vẻ bé đã đọc nhiều lần và nghiền ngẫm khá kỹ. Thi thoảng bé lại hỏi:

  • Mẹ ơi, thế sao bà lại cứ bảo con là “nghiện điện thoại”?

  • Mẹ ơi, “nghiện game” là như thế nào?

Ồ! thì ra bên trong một đứa trẻ cũng có rất nhiều trăn trở chứ không phải chỉ biết mải chơi, vô tâm không màng lời người lớn như vẻ bề ngoài, hoặc như người lớn thường chụp mũ cho nó.


Trẻ con cũng có lòng tự trọng để cảm thấy khó chịu trước cái mác xấu xí gán lên mình nhưng lại không thể phản kháng. Chúng như người tí hon yếu ớt bị đàn áp bởi gã khổng lồ hung dữ, to con và đầy quyền lực.


Trẻ con cũng trăn trở về đạo lý sống trên đời. Chúng không ngừng băn khoăn về tốt - xấu, đúng - sai, nên - không nên... Chúng không hề “lì lợm, bất cần” như người lớn vẫn nghĩ về chúng.


Và trẻ con cũng có cảm xúc, cũng thấy giận dữ, khó chịu, buồn bã khi người khác nói điều không tốt về mình.


Ngẫm lại, quả thực có nhiều lúc sự nóng giận đã khiến bản thân mình mờ mắt. Nó như lớp sương mù che kín sự thật, bịt chặt lỗ tai và đập tan lý trí. Rồi mình quên mất rằng làm cha mẹ là phải biết suy ngẫm, phải lắng nghe hay thậm chí là “xỏ chân vào đôi giầy của trẻ”. Chẳng phải chính mình cũng từng trải qua những lúc ấm ức, buồn, giận khi còn là một đứa trẻ và bị người lớn mắng mỏ hay sao? Mình nợ con và nợ bản thân một lý trí khách quan.


“Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con thì chưa bao giờ là người lớn”

- Khuyết danh -


Link bài viết trên Afamily: https://m.afamily.vn/bat-qua-tang-con-choi-game-trong-gio-hoc-online-me-tre-hit-1-hoi-de-lay-lai-binh-tinh-roi-xu-ly-ngay-van-de-bang-cach-qua-dinh-20211014192147661.chn


(Ảnh: Canva)



4 views0 comments
bottom of page