top of page

Trân trọng những điều con chúng ta trân trọng


Trong một lần đi biển, con mình nhặt được hòn sỏi màu trắng. Hòn sỏi ấy trơn nhẵn, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nó rất trân quý và gọi đó là “vật may mắn” của nó.


Đây không phải lần đầu con mình nhặt về “hằm bà lằng” những thứ khó hiểu. Nếu tích trữ hết tất cả lá cây, hoa hoét, đá, sỏi, cành khô, quả thông… thì chắc cũng phải đầy góc nhà rồi. Có lần mình “dại dột” gom chỗ cỏ cây hoa lá ấy đi bỏ mà lại không bảo nó, kết quả sau đấy là một khuôn mặt mếu máo thất vọng, nước mắt lưng tròng cứ ám ảnh mình mãi khôn nguôi.


Cái sai của mình là đã tự ý vứt đi thứ thuộc sở hữu của con khi chưa được sự đồng ý của nó vì suy nghĩ đơn giản rằng: thứ đó “không quan trọng”.


Mức độ quan trọng của một sự vật/sự việc đối với ai đó phải do chính họ cảm nhận chứ không phải do người khác đánh giá giùm. Sẽ thế nào nếu tài liệu của bố bị con mang ra cắt dán thủ công vì chúng nghĩ đống giấy vô tri kín đặc chữ ấy chẳng có ý nghĩa gì? Hay thỏi son đắt tiền của mẹ được mang ra dùng thay bút vẽ chỉ vì con thấy màu đỏ này quệt lên lên tường sao mà “nhìn đã con mắt ghê”? Mấy ai cười nổi khi phát hiện ra con đã làm hỏng một thứ mình nâng niu phải không ạ! Lúc ấy, phản ứng của người lớn thường là: tức giận, quát tháo, mắng mỏ, hay trừng phạt, cảm giác như ngày tận thế đến thật rồi. Nhẹ nhàng nhất thì hít một hơi thật sâu lấy bình tĩnh rồi xử lý sự việc trong tâm trạng không lấy gì làm tích cực. Nhưng, vật đó quan trọng với bạn chứ có phải với trẻ đâu nào.


Con chúng ta cũng có thể trải nghiệm những cảm xúc tức giận, phẫn nộ như thế nếu bị mất đi đồ vật chúng yêu thích, có điều điểm khác biệt ở đây là trẻ không đủ sức mạnh và quyền lực để trừng phạt người lớn. Rõ ràng người phải chịu đựng sự bất công là trẻ, nhưng nếu chúng khóc lóc hay ăn vạ thì còn bị dán thêm một cái nhãn xấu xí khác: dở hơi, quái đản, mè nheo…


Trong trường hợp giấy tờ quan trọng hoặc vật phẩm đắt tiền bị trẻ làm hư hại, người lớn cho rằng mình có quyền được nổi giận bởi hậu quả để rất nghiêm trọng, sẽ gây phiền toái vô cùng v.v… còn nếu họ có trót làm hỏng/làm mất/vứt đi đồ của trẻ thì cũng chẳng phải chuyện “cháy nhà chết người”, dù sao đó cũng chỉ là những món đồ vô thưởng vô phạt, cùng lắm thì tìm cái khác thế vào. Nghe có vẻ hợp lý đấy, nhưng đó là quan điểm của người lớn - được phát biểu từ góc độ của người lớn. Dù bạn có ra sức giải thích thì trẻ cũng chưa đủ trưởng thành và trải nghiệm để hiểu tầm quan trọng thực sự của vấn đề đâu. Trong con mắt của chúng vẫn chỉ có hai sự thật:


  • Mình làm hỏng/mất đồ của bố mẹ, bố mẹ có quyền mắng mình, nhưng nếu bố mẹ làm điều tương tự với đồ của mình thì chẳng sao hết.

  • Đồ của bố mẹ mình không được phép đụng chạm, nhưng đồ của mình thì bố mẹ có thể tuỳ tiện quyết định.


Và thứ trẻ học được là gì:

  • Sự thiếu tôn trọng với những thứ thuộc sở hữu của người khác. Khi trẻ lớn hơn, có “quyền lực” và “tầm vóc” hơn, trẻ có thể sẽ đối xử với những người nhỏ hơn mình như chúng từng trải qua.

  • Áp đặt cảm tính chủ quan lên người khác. Như đã đề cập ở trên, mức độ quan trọng của sự vật hay sự việc phải do mỗi cá nhân tự cảm nhận. Chúng ta không thể đứng từ góc độ của bản thân để đánh giá hay phán xét thay họ. Nếu đã quen với việc bị áp đặt cảm xúc, em bé sẽ dần mất đi sự thấu cảm, công cuộc bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc sẽ gặp rất nhiều gian nan.


Đến đây chắc hẳn bạn cũng đã nhận ra, một hành động tưởng như không-có-gì-nghiêm-trọng nhưng có thể để lại hệ quả thiếu lành mạnh nếu diễn ra liên tục. Chúng ta luôn mong muốn dạy trẻ bài học về sự tôn trọng nhưng lại vô tình làm điều ngược lại. Chúng ta cũng muốn con cái mình trong tương lai sẽ là những người biết yêu thương và thấu hiểu, nhưng hiện tại lại không đứng ở vị trí của con để cảm thông với chúng.


Chẳng có chuyên gia hay sách vở nào chỉ cho bạn cách nuôi dạy con thành công nếu chính bạn không thực sự đặt một bàn chân vào thế giới khác biệt của trẻ con để hiểu suy nghĩ, hành động của chúng. Bởi vậy, hãy cẩn trọng trong từng hành động liên quan tới con.


Có lần mình từng nghe ai đó nói rằng mình có xu hướng “làm quá” và nghiêm trọng hóa vấn đề. Có thể trong mắt bạn mình đang làm quá, nhưng mình thì chỉ thấy cha mẹ cần phải tôn trọng con từ những điều nhỏ nhặt nhất. Trong mọi bài viết, mình luôn nhấn mạnh vào sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Với mình, sự kết nối chính là chìa khoá để hoá giải mọi vấn đề. Sự kết nối không cần thiết phải gây dựng từ những hành động hay sự kiện gì to tát mà chính là những chia sẻ hàng ngày, những tương tác tích cực chúng ta dành cho nhau.


Thôi dông dài thế đủ rồi, chốt lại mình chỉ muốn nhắn nhủ các bạn rằng: có muốn vứt cái gì của chúng nó đi thì nhớ hỏi ý kiến chứ đừng tự tiện để rồi nhận cái kết đầy nước mắt nước mũi nhé.


(Ảnh: Canva)

3 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page