[Loạt bài về Montessori] - TRÍ TUỆ THẨM THẤU
Updated: Jan 17, 2022

Maria Montessori cho rằng trong những năm đầu đời, trẻ tạo dựng năng lực trí tuệ bằng một dạng tâm trí rất khác với người trưởng thành.
“Đứa trẻ hình thành “xương thịt tinh thần” của chính mình bằng việc sử dụng những sự vật có sẵn trong môi trường. Chúng ta gọi dạng tâm trí của đứa trẻ là “Tâm trí thẩm thấu”.” - Maria Montessori
Ở thời điểm khởi đầu, tâm trí của trẻ sơ sinh đang ở dạng vô thức: chưa có trí nhớ để ghi nhớ, cũng chưa có năng lực trí tuệ để tư duy; toàn bộ yếu tố của đời sống tinh thần lúc này mới khởi tạo. Vậy em bé sẽ bắt đầu từ đâu?
Để có thể xây dựng nhận thức trí tuệ hoàn chỉnh, đứa trẻ cần đến một dạng trí tuệ khác với người lớn, thứ sẽ giúp đứa trẻ chỉ việc sống và tiếp thu mọi thứ bằng đời sống tâm lý của mình. Chúng tiếp nhận tất cả những ấn tượng thu được từ môi trường sống xung quanh rồi dần hình thành nên tâm trí. Dạng trí tuệ này được gọi tên là “trí tuệ thẩm thấu”.
Trí tuệ thẩm thấu của trẻ khác trí tuệ của người lớn như thế nào?
Đối với người lớn, tâm trí là vật chứa, những ấn tượng từ môi trường đổ vào tâm trí ấy sẽ được lưu trữ và ghi nhớ, có thể được lựa chọn xử lý theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, ấn tượng tách biệt với tâm trí như cốc với nước. Còn với đứa trẻ, ấn tượng xâm chiếm tâm trí, hòa vào tâm trí, hình thành tâm trí. Giống như nước thấm vào miếng bọt biển vậy. Trí tuệ thẩm thấu sẽ không chắt lọc mà hút hết tất cả ấn tượng thu được từ môi trường và trở thành tâm trí của trẻ (ví dụ: phong tục, tập quán, tôn giáo…)
Trí tuệ thẩm thấu thể hiện rõ rệt nhất qua sự hình thành khả năng ngôn ngữ và vận động
Người ta biết rằng em bé học nói nhờ khả năng nghe và bắt chước. Nhưng tại sao trong muôn vàn âm thanh hàng ngày của cuộc sống, em bé lại chỉ chọn ra tiếng nói của con người để tiếp thu? Maria Montessori lý giải rằng: ngôn ngữ của con người là một ấn tượng có sức mạnh lớn đến nỗi có thể tạo ra một dạng xúc cảm mãnh liệt và hứng thú cuồng nhiệt từ đứa trẻ, khiến các cơ quan liên quan trong cơ thể đứa trẻ bị tác động và xung động để tái lập những âm thanh đó. Điều này tương tự với người lớn khi nghe hòa nhạc. Giữa rất nhiều âm thanh xung quanh, chúng ta chỉ tập trung vào tiếng nhạc, mặt chúng ta biểu lộ cảm xúc say sưa, đôi chân đánh nhịp và miệng thì hát theo. Âm nhạc tạo ra ấn tượng mạnh với chúng ta hơn tất cả các âm thanh khác. Ấn tượng về ngôn ngữ mẹ đẻ đối với đứa trẻ cũng lớn lao và rõ rệt y như vậy.
Và tại sao em bé có thể tiếp thu tiếng mẹ đẻ chính xác đến thế? Montessori cho rằng trẻ tiếp thu “câu và cấu trúc câu” chứ không chỉ tiếp thu mỗi từ ngữ. Trật tự của các từ trong câu là yếu tố mang lại ý nghĩa của câu. Bởi vậy, chỉ hiểu nghĩa của từ là chưa đủ, chúng ta phải hiểu cả cấu trúc câu. Bằng trí tuệ thẩm thấu, trẻ đã tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên, chính xác và đầy đủ mà không phải chật vật như người trưởng thành học thứ tiếng nào đó.
Tương tự như vậy, vận động của trẻ cũng phát triển và hoàn thiện dần theo thời gian. Lúc mới sinh, em bé cử động chậm chạp, yếu ớt trong phạm vi hẹp. Dần dần, cơ thể em nhanh nhẹn hơn, các chuyển động chính xác hơn, có lực hơn. Đó là một quá trình bền bỉ diễn ra trong tâm trí thẩm thấu: cử động -> tác động đến môi trường -> nhận về những ấn tượng từ môi trường -> điều chỉnh tâm trí -> tạo ra vận động mới… Cứ như vậy, nhờ vòng lặp không giới hạn này, trẻ dần phát triển tâm lý vô thức của mình thành có ý thức. Trẻ cứ hồn nhiên trải nghiệm, tích luỹ kinh nghiệm để hình thành trí tuệ theo cách riêng mà người lớn đôi khi cảm thấy khó hiểu. Ví dụ: em bé ba tuổi có thể ngồi chơi hàng giờ chỉ với một quả bóng, dùng đôi tay bé nhỏ để lăn, ném, đập, dùng chân để đá v.v… Những ấn tượng từ tác động qua lại của hành động & kết quả cứ thế đi vào tâm trí trẻ theo cách tự nhiên nhất.
Tận dụng trí tuệ thẩm thấu tối ưu để trẻ được hưởng lợi nhiều nhất
Trí tuệ thẩm thấu là đặc ân mà tạo hoá trao tặng riêng cho đứa trẻ, là hành trang hoàn hảo để bắt đầu cuộc sống. Tiếc rằng hành trang đó sẽ chỉ theo đứa trẻ trong sáu năm đầu đời chứ không kéo dài mãi mãi. Bởi vậy, người lớn cần nhận thức được điều này và tạo điều kiện để trí tuệ thẩm thấu của em bé được vận dụng tối ưu nhất. Tạo điều kiện không phải là cố gắng dạy dỗ trẻ thứ gì đó như ý chúng ta, mà chính là để cho trẻ được tự do phát huy sự sáng tạo độc nhất của mình thông qua vận động, vui chơi, khám phá không mệt mỏi.
Lưu ý quan trọng nữa là người lớn cần tuyệt đối tránh việc gây trở ngại cho trẻ trên hành trình phát triển trí tuệ chỉ vì những lý do tầm thường như: sợ dính bẩn, sợ trẻ bị ngã, sợ trẻ xây xát v.v… Không có gì sai khi chúng ta yêu thương con cái đến mức né tránh những điều không hay xảy với chúng, nhưng hãy bảo vệ và hỗ trợ trẻ đúng mực thay vì bảo bọc thái quá để rồi vô tình cản trở sự phát triển khả năng sáng tạo thiên phú bên trong em bé.
Lời kết
Những phát hiện của Maria Montessori về trí tuệ thẩm thấu đã mở ra một thực tế rằng: chúng ta không thể dạy dỗ một đứa trẻ dưới sáu tuổi; nói cách khác, chúng ta không thể tác động vào sự chuyển đổi từ vô thức sang có ý thức của trẻ trong những năm đầu đời. Giáo dục từ gia đình và nhà trường chỉ là “công cụ hỗ trợ cho quá trình phát triển tâm lý con người”, giáo dục không phải là ép trẻ phải tiếp nhận những kiến thức mà người lớn mong muốn. Do đó, chúng ta chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ trẻ bằng việc tạo ra một môi trường phù hợp nhất với nhu cầu của em bé và hài hoà cùng những giá trị tốt đẹp của gia đình & xã hội.