top of page

Trẻ con & Câu chuyện về tiền


Trong 3 tháng gần đây, Đậu nhà mình đã kiếm được 300kc (tương đương 300k tiền Việt) từ việc nhà, chủ yếu là phơi và gấp quần áo, việc khác chưa đủ sức để làm nên chủ yếu đang tập.


Mình thấy có nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn về việc “có nên trả tiền cho con làm việc nhà hay không?”, vừa muốn dạy con về giá trị của sức lao động & quản lý tài chính, nhưng lại không muốn con có tư duy thực dụng với việc chung của gia đình. Trước đây mình cũng trăn trở y như vậy. Tuy nhiên sau khi tham gia một workshop dạy con về tài chính, mình đã tìm được giải pháp để áp dụng và thấy khá ổn.


Với con, mình chia việc nhà ra làm hai loại: loại con phải hoàn thành (1) và loại được trả công (2). Loại (1) gồm dọn dẹp phòng sạch sẽ, cất đồ dùng đúng nơi quy định; loại (2) gồm gấp quần áo, phơi quần áo, hút bụi, lau nhà. Mỗi khi hoàn thành xong một việc loại (2) thì sẽ được trả 10kc; và nếu con đã nhận thì phải làm lâu dài chứ không phải hôm nay thích thì làm, hôm khác chán thì không làm. Ngoài ra, khi nói chuyện với con về việc trả tiền cho một số việc nhà nhất định, mình có nhấn mạnh rằng: mẹ trả tiền để con có cơ hội tiết kiệm và tự do mua thứ con muốn, nhưng con vẫn là trẻ con, ngoài kia không ai thuê trẻ con làm việc đâu, như thế là vi phạm pháp luật. Người lớn có trách nhiệm đi làm, trẻ con có trách nhiệm đi học; học vẫn là việc chính mà con cần phải ưu tiên nhất. Bao giờ đủ tuổi lao động mới được tự lựa chọn đi làm hay đi học đấy nhé. Những thỏa thuận này cần thiết lập ngay từ đầu, càng rõ ràng càng tốt. Chính vì thế mà dù vẫn còn chưa thực sự tự giác, nhưng Đậu luôn vui vẻ hoàn thành mỗi khi được nhắc.


Có một số ưu điểm từ việc được trả công cho việc nhà mà mình quan sát được từ con mình là:


Hiểu được giá trị của đồng tiền, biết trân trọng sức lao động & tiền của bản thân cũng như của người khác hơn. Đậu thích ăn ketchup, trước đây mỗi lần đi ăn McDonald’s thường phải mua thêm một gói ketchup nữa mới đủ (nơi mình ở các cửa hàng McDonald’s tính 20kc/gói mua thêm nha). Sau này mẹ không mua như vậy nữa, muốn ăn thì tự bỏ tiền túi ra, mẹ bảo “20kc = 2 lần gấp quần áo đấy”, thế là thôi - cười ỏn ẻn chấp nhận nhịn. Rồi đi mua cái gì cũng chăm chăm nhìn giá trước, hỏi mẹ xem “như thế có đắt không”, xong tính toán, nghĩ ngợi chán.


Tác phong nhanh nhẹn hơn. Lúc mới làm, chắc nửa tiếng bả mới phơi xong rổ quần áo nhưng giờ tốc độ cải thiện đáng kể rồi. Chưa kể hồi đầu cái gì cũng phải hỏi mẹ phơi thế nào, áo to quá, nặng quá thì phải làm sao, và mấy cái áo khù khoằm lằng nhằng dây dợ của cô nó thì phơi kiểu gì v.v... Giờ mẹ chỉ im im cho động não tự xử lý, thấy ít phải hỏi lắm rồi. Tương tự, gấp cũng vèo vèo, mỗi tội vẫn cứ lười lộn phải, nhắc hoài vẫn ngó lơ.


Biết sắp xếp thời gian tốt hơn. Có những ngày Đậu khá bận, vừa phải học online, làm bài tập, phơi/gấp quần áo và cũng muốn đọc cả bedtime stories. Mẹ thương tình bảo “thế thì mẹ làm giúp cho một hôm, không lấy tiền nữa là được chứ gì”. Nhưng con giời tiếc tiền, vẫn cố gắng thu xếp làm hết cho bằng được.


Có mục tiêu để theo đuổi và phấn đấu. Khi muốn mua cái gì đó, nó thường sốt sắng tập trung để nhanh kiếm đủ tiền (ngày nào cũng hỏi “hôm nay có giặt quần áo không mẹ?”), mua được rồi cũng ý thức giữ gìn đồ đạc hơn. Và ước mơ lớn nhất của Đậu là... mua nhà. Với đà này lại sớm mua được nhà quá cơ.


Ngoài ra, dông dài thêm là mình quan niệm không thưởng/tặng gì khi con có thành tích tốt hay vì dịp gì đặc biệt, nhưng mình thi thoảng lại hay bất chợt nổi hứng rủ con đi ăn, đi chơi, hoặc thấy thứ gì hay ho thì hỏi xem con có thích không mẹ sẽ mua cho (nhất là những thứ mẹ cũng thích, hia hia). Mình cho rằng con cần phấn đấu vì chính nó chứ không phải vì phần thưởng; và niềm vui luôn có thể được tạo ra cho nhau, cùng nhau bất cứ lúc nào, chứ không nhất thiết phải “nhân dịp gì”. Mình không nghĩ nhiều về việc này đâu, mình cảm thấy nên làm thế thì mình làm thế thôi.


Tóm lại, câu chuyện tài chính và lao động trong nhà mình khá nhẹ nhàng, ổn thỏa. Mình là đứa có chỉ số FQ âm vô cực, và khả năng nên duyên với số má = 0 nên mình không tham vọng dạy con cái gì cao siêu về tài chính hết. Nó biết nhận biết về tiền, biết tiêu tiền, tính xem người ta thối tiền lại đủ chưa là mình mừng lắm rồi.


(Ảnh: thiết kế từ Canva)

3 views0 comments
bottom of page