"Vẽ đường cho hươu"
trẻ

“Chị vẫn không tưởng tượng được sẽ nói chuyện q.h.t.d với con như nào. Chị hy vọng là trường sẽ dạy trước khi nó hỏi chị.” - Tuy con mới 4 tuổi nhưng bà chị “cây khế” của tôi đã kịp thời nghĩ đến chuyện của tương lai, đồng thời không khỏi bối rối thế đấy!
Cũng phải thôi, ai mà không bối rối cho được. Ngay cả ở các nước phương Tây vốn có sự cởi mở hơn trong chia sẻ, các ông bố bà mẹ vẫn phải đối mặt với “trăm mối tơ vò” khi con bắt đầu tìm hiểu câu chuyện “trái cấm”, huống chi ở xã hội đậm chất Á Đông như Việt Nam. Nhưng có những việc không thể vì khó quá mà bỏ qua được, muốn hay không cũng phải đối diện thôi!
Trong chuyện giáo dục giới tính, phụ huynh lâm vào cảnh dở khóc dở cười thường là vì họ không có sự chuẩn bị và có tâm lý ngại ngùng quá lớn. Họ không biết phải mở lời với con như thế nào. Thậm chí, họ còn cố tình né tránh, càng lờ đi được bao nhiêu càng tốt. Nếu suôn sẻ, con sẽ bước qua cái tuổi tò mò trong êm đềm, không có sự vụ gì đáng tiếc, không có “phốt” nào nổ ra. Còn nếu không may xảy ra “tai nạn”, từ nhân vật chính đến cả tông ti họ hàng sẽ không tránh khỏi những giây phút lao đao. Mức độ nghiêm trọng và hệ quả có thể xảy ra ở đủ mọi cung bậc, nhưng chắc chắn không vui vẻ gì.
Cho nên, cá nhân mình chọn chủ động dạy con về “siếc” chứ không thể phó mặc hạnh phúc của gia tộc cho số phận được !!! Mình thà tự nói với con để chủ động input nó tiếp nhận, để kiểm soát thông tin và đảm bảo con sẽ được nghe những thứ chính xác. Mình không trông đợi hay quàng cái trách nhiệm “khó nhằn” này lên người khác.
Nhưng trước hết, mình đã phải tự căn dặn bản thân: việc con tò mò, muốn tìm hiểu chuyện “ấy” là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và hợp lý về mặt tâm sinh lý. Con không sai và cũng không hư khi nó muốn biết q.h.t.d là gì ở cái tuổi nó cần phải biết. Chúng ta có thể không khỏi thấy sốc khi đối diện với sự thật rằng đứa trẻ của mình không còn bé bỏng nữa, nó chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa đầu tiên của quá trình trưởng thành rồi, vậy nên dù có hoang mang thế nào thì cũng hãy bình tĩnh và tỉnh táo để tương tác với con theo cách tích cực nhất.
Với sự phát triển của các thiết bị công nghệ, internet và mạng xã hội, độ tuổi tiếp cận với khái niệm q.h.t.d của trẻ càng thấp dần. Các cha mẹ đừng quá ngạc nhiên nếu đứa con mới 8 - 9 tuổi của mình đã biết về “siếc”. Thậm chí ngay cả khi bạn cấm con không sử dụng điện thoại, máy tính, ipad… thì nó cũng vẫn biết thôi. Đến lớp cập nhật 15 phút mỗi ngày thì chuyện “trên trời dưới bể”, zi zỉ zì zi, chuyện gì tụi nó chẳng biết. Tốt nhất là hãy giữ lấy tâm hồn đẹp và cái đầu lạnh để cùng con trao đổi cởi mở, thân mật.
Năm lớp Bốn, một hôm Miu về kể rằng “bạn T. lớp con đã “dậy thì” rồi.” Mình hỏi: “Con có hiểu điều đó nghĩa là gì không?” Con bô la ba la một hồi về các biểu hiện của “dậy thì”. Mình đáp:
- Đúng rồi đấy con. Nhưng ý nghĩa lớn nhất của dậy thì ở con gái chính là từ thời điểm bắt đầu có k.ng trở đi, cơ thể đã có khả năng sinh sản, tức là có thể sinh em bé ấy. Nhưng tất nhiên là tuổi các con còn quá nhỏ và cơ thể thì đến hơn 20 tuổi mới phát triển hoàn thiện cơ, nên làm sao có em bé được đúng không? Thế nên phải tuyệt đối tránh xa việc q.h.t.d để không mang thai ngoài ý muốn. Lớn lên một chút các con sẽ được dạy về biện pháp tránh thai. Hay để hôm nào mẹ tìm trên mạng rồi mình cùng đọc nhé?
- Vâng ạ. (cười rất vui vẻ và không hề ngại ngùng)
Nghe thế chắc sẽ có người nghĩ mình đang văn vở và viết cho hay thôi, nhưng thực sự là mình nói thế đấy. Bởi vì tình huống này mình đã chuẩn bị bằng cách tự tưởng tượng ra rồi soạn sẵn “văn” từ khá lâu rồi Mình biết sớm muộn gì cũng có lúc phải nói mà.
Bằng sự khởi đầu có phần ngắn gọn nhưng tự nhiên, ít nhất mình hài lòng vì đã tạo một không khí thoải mái giữa hai mẹ con trong chuyện này, và cũng nhận ra bà con không quá lạ lẫm với chủ đề “nóng” cho lắm (chắc ở lớp bọn trẻ rỉ tai nhau ít nhiều thông tin rồi.) Từ đấy về sau, cứ nhân sự kiện nào đó, mình lại tranh thủ chuyện trò với con, “cài cắm” thông tin từng chút; có hôm đọc một bài báo về “tác hại của việc q.h.t.d quá sớm”, mình khều nó đọc cùng (không quên “dọa” tí cho sợ.) Mục tiêu của mình là gửi tới con những thông điệp rõ ràng:
S.ế.x không phải là xấu, đó là nhu cầu hết sức “con người” như ăn, uống, mặc, ở… Nó chỉ xấu khi gắn với các hành động phi đạo đức, phi văn hóa và thực hiện ở thời điểm không phù hợp; hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Những đoạn phim “đ.e.n” người ta tạo ra rồi đưa lên mạng là để kinh doanh, chúng không thực sự mô tả chính xác về “siếc”. Họ chỉ diễn, giả bộ và nếu mình bắt chước theo có khi còn gãy cả xương đấy con ạ!
Mẹ luôn ở đây để giải đáp mọi điều con thắc mắc. Mẹ sẽ không đánh giá, không phán xét, không quy chụp hay “dán nhãn” con vì bất kỳ cái gì. Con có thể đàng hoàng tìm hiểu những chuyện khó nói nhất qua sự trợ giúp của mẹ thay vì phải lén lút, thậm thụt.
Để vẽ được đường cho hươu chạy người ta cũng phải tự rành rẽ về đường trước đã. Con trẻ sẽ cảm thấy được kết nối hơn với cha mẹ khi chúng nhận được sự hỗ trợ, cảm thông một cách kịp thời, đặc biệt là trong những vấn đề nhạy cảm, dễ gây cảm giác mơ hồ, khó xác định ranh giới đạo đức - bản năng. Chúng ta đều có một thời bối rối như thế nên hãy cảm thông cho lũ trẻ. Hãy yêu con theo cách mà cả hai bên đều hạnh phúc.