top of page

VAI TRÒ CỦA TƯ DUY TRONG NUÔI DẠY TRẺ





Để nuôi dạy con trẻ theo cách đúng đắn, bố mẹ nhất định phải có một tư duy sáng suốt. Nhưng làm thế nào để chúng ta đánh giá được tư duy của chính mình có đang mang lại lợi ích cho quá trình phát triển của con cái hay không?

Vài thông tin sau đây sẽ giúp các bố mẹ hình dung rõ hơn về khái niệm ‘tư duy’ – mindset trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ nha.


1. Tư duy phát triển và tư duy cố định


Trong cuốn sách nổi tiếng có tên ‘Mindset’, tiến sỹ Carol Dweck đã mang đến cho chúng ta kết quả công trình nghiên cứu trong vài thập kỷ của bà về tư duy. Cuốn sách cung cấp hai khái niệm xuyên suốt 479 trang giấy: tư duy phát triển và tư duy cố định. Tư duy cố định là loại tư duy cho rằng những đặc tính của con người là có sẵn, cố định và không thể thay đổi. Trong khi đó, người mang tư duy phát triển lại tin rằng những đặc tính vốn có đó chỉ là tiền đề, là thứ ở tại vạch xuất phát, con người hoàn toàn có thể trau dồi và phát triển những phẩm chất tốt đẹp hơn nữa nếu bạn muốn và chăm chỉ, nỗ lực đạt được.


Đến đây có thể mường tượng ra được cuộc đời của người mang tư duy cố định và người mang tư duy phát triển sẽ rẽ theo hai hướng khác nhau như thế nào rồi. Với tâm lý cho rằng những gì mình đang có là cố định, không thể thay đổi, tư duy cố định sẽ khiến con người bị kìm kẹp trong suy nghĩ bi quan về mình. Ví dụ sinh động nhất mà ta thường thấy: có những người nông dân luôn mang suy nghĩ rằng “đầu óc mình dốt quá, mình không được học hành, mình suốt đời chỉ hợp với lao động chân tay đầu tắp mặt tối thôi” . Kết quả sau đó tiếp tục là những chuỗi ngày mệt nhọc nối tiếp nhau. Nhưng bên cạnh đó cũng có những người nông dân – dù không học hành đến nơi đến chốn, chỉ đủ để biết đọc biết viết – lại phát minh hoặc chế tạo ra những loại máy móc giúp giải phóng sức lao động, tiện lợi, nâng cao hiệu suất cho công việc làm nông hàng ngày. Những người này cảm nhận sự vất vả trong công việc. Thay vì than thở, họ lại tập trung nghĩ cách để khắc phục và tạo những thứ cải thiện cuộc sống của chính mình (và cộng đồng).


Tư duy cố định còn khiến người ta luôn lo sợ về đánh giá của người khác lên bản thân mình. Liệu mình có đang làm sai điều gì không? Liệu họ có nghĩ rằng mình ngốc nghếch/ không thông minh không? Sai lầm này có khiến người khác đánh giá thấp mình không v.v… Thay vì những suy nghĩ đó, người có tư duy phát triển lại chăm chỉ làm việc mình muốn làm, liên tục cải thiện, chấp nhận bài học từ thất bại, chịu thay đổi và đạt thành tựu.


Người tư duy cố định sẽ tự kìm kẹp mình trong những giới hạn và định kiến, chẳng hạn, họ cho rằng các nghề cao quý trong xã hội phải là doanh nhân, bác sỹ, kỹ sư… chứ không phải là nghệ sỹ dương cầm, họa sỹ. Trong khi đó, người có tư duy phát triển lại nhìn ra việc một bà nội trợ biết cách tổ chức sinh hoạt hiệu quả trong gia đình và tạo ra những đứa con hạnh phúc chính là thành tựu vĩ đại không kém cạnh bất cứ phát minh nào trên thế giới.


2. Tư duy của bố mẹ có thể là những yếu tố sống còn


Cha mẹ nào cũng mong con cái một cuộc đời êm ấm với những điều tốt đẹp nhất cho dù tiêu chí của từng gia đình có thể khác nhau. Tuy nhiên, hãy bàn luận một chút về những kỳ vọng của bạn.

Ví dụ: ở ngưỡng cửa đại học, đứa con muốn theo đuổi nghệ thuật vì em rất yêu thích và có năng khiếu, nhưng em lại nhận được những lời khuyên/tư vấn từ cha mẹ rằng nghệ thuật là một ngành chông gai, bấp bênh, khó có thu nhập tốt và em nên chọn (thậm chí là ép buộc) chuyên ngành kinh tế, công nghệ thông tin… để có tương lai chắc chắn hơn. Trong mắt họ, thành công gắn liền với những bộ suit sang trọng, con số thu nhập khổng lồ, được ngưỡng mộ về kiến thức uyên thâm… hơn là tính thẩm mỹ của nghệ thuật; và họ nghĩ doanh nhân, chuyên gia học thuật thì thông minh hơn nghệ sỹ. Lúc này, đam mê và năng khiếu vốn có của con cái không hề quan trọng bằng kỳ vọng của cha mẹ. Vậy là rất nhiều bạn trẻ, vì sợ bố mẹ thất vọng, không hài lòng, hoặc tệ hơn là sợ bố mẹ không yêu mình nữa, đã phải từ bỏ điều các em thực sự mong mỏi.


Vậy là tư duy cố định của cha mẹ đã vô tình phủ định tố chất tốt đẹp trong con người của trẻ. Thường thì trẻ có thể sẽ chấp nhận những định hướng của bố mẹ và dần để cho khát vọng của bản thân phai mờ rồi thui chột, tích cực hơn thì các em có thể tìm cách để vẫn duy trì song song cả hai. Tuy nhiên, các em sẽ không thể sống cùng đam mê theo cách trọn vẹn nhất như các em xứng đáng.


Nếu bố mẹ là những người mang tư duy phát triển thì sao? Bố của Tiger Woods được biết đến là một người tham vọng. Khi thấy Tiger có hứng thú đặc biệt với golf, ông đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn con mình cách tiếp cận và phát triển với bộ môn này. Ông đã không bắt anh ấy phải theo con đường mà ông từng nghĩ rằng Chúa tạo ra cho anh.

“Nếu Tiger muốn trở thành thợ sửa ống nước, tôi cũng không bận tâm, chỉ cần nó trở thành một người tốt. Nhưng nó đã trở thành một người vĩ đại.”

Liệu chúng ta có một tay golf xuất sắc không nếu cha mẹ của Tiger Woods không phải là những ông bố bà mẹ tích cực hỗ trợ và tôn trọng sự phát triển riêng biệt của con mình, thay vì áp đặt con theo ý muốn của mình.


Cha mẹ nên làm gì?

Giống quan điểm trong những chia sẻ về Montessori của mình, sứ mệnh của cha mẹ là tạo ra môi trường phù hợp, hỗ trợ cho con cái chứ không phải là áp đặt tiêu chuẩn, kỳ vọng của bản thân lên các em. Hãy dùng con mắt còn một tư duy phát triển để nhìn nhận tiềm năng của chính con mình, giúp chúng thành công nhất với tiềm năng đó.


Nguồn tham khảo: “Mindset – Tâm lý học thành công” của tác giả Carol Dweck.

7 views0 comments
bottom of page